Kết quả 5 năm phát triển cây ăn quả thành cây chủ lực trong ngành nông nghiệp, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có thực tiễn đúng về sự lựa chọn hướng phát triển đa dạng, bền vững. Hướng đi đúng góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, nâng cao đời sống nông dân, từng bước hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia. 
 
Lục Ngạn vừa qua một mùa bội thu cây trái phục vụ nhu cầu Tết Bính Thân 2016. Từ khi chuyển hướng kinh tế nông - lâm nghiệp, ở Lục Ngạn mùa nào quả nấy, vừa giữ người dân gắn bó với quê hương, với kinh tế vườn đồi, vừa góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 
 
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy La Văn Nam, mục tiêu này đã được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa bốn "nhà" (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thực hiện "Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn giai đoạn 2014-2020", tạo đà thúc đẩy huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia.
 
Cụ thể hóa Chương trình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011-2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung phát triển “sáu cây, ba con”, vải thiều được chọn là cây “mũi nhọn”. Với loại cây này, Lục Ngạn tập trung duy trì và giữ ổn định diện tích khoảng 16 nghìn ha, trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP là 9.500 ha (tăng 6.500 ha so với năm 2010). Vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. 
 
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm vẫn chưa đồng đều giữa các vùng, việc liên kết sản xuất theo nhóm hộ, HTX đã được hình thành nhưng mới tập trung ở một số xã như: Hồng Giang, Giáp Sơn, Thanh Hải; việc sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP đã được mở rộng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận do kinh phí cấp giấy chứng nhận còn cao, khoảng từ 7 đến 20 triệu đồng /ha. 
 
Bên cạnh đó, các loại cây có múi, táo giống Đài Loan (Trung Quốc), nhãn cũng mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng ở Lục Ngạn. Nhiều hộ nông dân thu nhập mỗi năm từ hai đến ba tỷ đồng từ việc mở rộng diện tích trồng cây có múi. Nhờ đó, việc phát triển cây có múi trên địa bàn huyện tăng nhanh (từ 195 ha năm 2010 lên 1.230 ha năm 2014). 
 
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, UBND huyện đã phối hợp Viện Quy hoạch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang tiến hành bình tuyển giống cây đầu dòng, cây đạt tiêu chuẩn nhân giống và chọn được 25 cây đầu dòng, 70 cây đạt tiêu chuẩn nhân giống bưởi Diễn, cam Canh và cam Vinh để tổ chức sản xuất cung cấp giống cho nhân dân. Tháng 7 - 2015, cam, bưởi Lục Ngạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
 
Đến Lục Ngạn hôm nay, không khó để gặp những nông dân đã thay đổi cuộc sống gia đình từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trưởng thôn Tân Tiến, xã Trù Hựu, Vũ Ngọc Hồng hay Phó Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Minh Lập, xã Nghĩa Hồ, Hoàng Xuân Đào là những người như thế. Vừa là cán bộ thôn, xóm, vừa là người nông dân, họ đã nhanh chóng bắt kịp xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ cấy lúa, trồng màu, sang chuyên canh cây ăn quả đặc sản. 
 
Trưởng thôn Hoàng Xuân Đào cho biết, bốn khẩu đã có thu nhập 70-80 triệu đồng/năm trên hai mẫu đất, gấp khoảng 10 lần so trước đó. Thôn Minh Lập ước có khoảng 10 ha trồng cây ăn quả cho thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy tiến hành xây dựng nông thôn mới. Nhờ chung sức, đồng lòng, xã Nghĩa Hồ đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Lục Ngạn.
 
Theo Phòng Nông nghiệp huyện, trong những năm tới, Lục Ngạn sẽ chuyển một phần diện tích cây ăn quả (chủ yếu là cây vải) ở những vùng đồi cao, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây lâm nghiệp, một số diện tích cây vải trồng ở ven sông, suối, đất trũng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, cam Canh, bưởi da xanh, táo giống Đài Loan (Trung Quốc)...; tập trung chỉ đạo sản xuất vải thiều chất lượng cao theo tiêu chuẩn VIETGAP với diện tích từ 12 nghìn đến 13 nghìn ha, trong đó vải thiều GLOBALGAP đạt từ 500 đến 1.000 ha tập trung ở các xã: Hồng Giang, Giáp Sơn, Thanh Hải, Biên Sơn, Trù Hựu, Quý Sơn, Phượng Sơn, Phì Điền, Tân Quang, Nghĩa Hồ, Tân Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn… 
 
Giữ vững và quảng bá rộng rãi thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn"; tổ chức xúc tiến thương mại triển lãm sản phẩm ở nhiều địa phương trên toàn quốc và quốc tế; áp dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, phân loại, đóng gói, bảo quản và vận chuyển, nâng cao chất lượng vải sấy khô, công nghệ chế biến quả tươi, đóng hộp. Đưa vào sử dụng hiệu quả ba nhà phân loại, đóng gói, bảo quản vải thiều sau thu hoạch tại xã Hồng Giang và Phượng Sơn; phối hợp triển khai tốt dự án tưới nhỏ giọt và bảo quản sau thu hoạch của Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
 
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, huyện Lục Ngạn tiếp tục cụ thể hóa các vùng sản xuất cho từng loại cây trồng, lập kế hoạch đầu tư các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa (yêu cầu cụ thể đến từng vùng, từng xứ đồng trong các xã, thôn, bản); để đến năm 2020 đạt tỷ lệ 32,62% nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế với giá trị hơn bốn nghìn tỷ đồng.
 
Theo Lê Vy/ND