Những ngày này, vùng quê xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) nhộn nhịp bởi thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua dứa. Những chuyến hàng trĩu nặng cùng nụ cười tươi rói của chủ vườn vì vụ dứa được mùa, được giá như một minh chứng khẳng định sự thành công của dự án “Trồng, thâm canh cây dứa Queen theo tiêu chuẩn VietGAP” ở vùng đất đồi sỏi này.
Đột phá từ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP  
 
     Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hộ dân ở Lục Nam đã đưa cây dứa vào trồng trên những vùng đồi thấp, trồng xen dưới tán vải thiều. Do xác định là cây trồng “lấy ngắn nuôi dài”, không được đầu tư từ giống, phân bón cho đến chăm sóc nên năng suất thấp, mẫu mã xấu không tiêu thụ được. 
 
Câu chuyện cây dứa “bám trụ” được ở vùng đất này khá dài, xen lẫn cả niềm vui và những nỗi buồn từ cách làm kinh tế theo “phong trào”. Dự án trồng dứa được triển khai tại các xã Bảo Sơn, Bảo Đài và vùng lân cận nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thực phẩm cũng đã được triển khai. Song do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do không có đầu ra cho quả dứa nên dự án đã phá sản khiến nhiều gia đình điêu đứng. 
 
     Hơn mười năm sau thất bại từ dự án, người dân Bảo Sơn vẫn không quên được cây dứa. Đặc biệt khi huyện Lục Nam có chủ trương khuyến khích các địa phương lựa chọn giống cây trồng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây vẫn quyết định đồng hành cùng cây dứa. 
 
     Ông Lê Văn Ngần, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn nhớ lại: “Thời điểm đó, người dân trong xã lựa chọn vì cây dứa có nhiều ưu thế so với những cây trồng khác, cùng với những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đã được tích lũy giúp họ tự tin khi xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương”. Sau khi huyện xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh, nhiều hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2012, dự án “Trồng, thâm canh cây dứa Queen theo tiêu chuẩn VietGAP” được triển khai tại xã Bảo Sơn với 22 hộ tham gia trên diện tích 13 ha trong thời gian 24 tháng. Theo đó, những hộ trong dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật sản xuất, xử lý giống sạch bệnh, bón phân hóa học và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. Kết quả, tỷ lệ dứa sống đến khi ra quả đạt 95%. 
 
Đặc biệt, từ việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp các hộ xử lý cho dứa ra quả trái vụ có vị ngọt sắc và thơm hơn. Nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất. Ở vụ xuân này, toàn huyện Lục Nam có khoảng 400 ha dứa Queen được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 50 ha so với vụ dứa năm trước.
 
Đến nhãn hiệu hàng hóa tập thể
 
     Chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ở thôn Huê Vận 2, xã Bảo Sơn khi mọi người đang tất bật cân dứa cho khách hàng. Chỉ mới cách đây ba năm, với 3 ha đất đồi trồng keo, bạch đàn, anh Thanh đã mạnh dạn đưa cây dứa Queen vào thâm canh, trong đó có 2 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ lựa chọn kỹ cây giống, chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, ngay năm đầu gia đình anh đã thu lãi gần 300 triệu đồng.Cùng ở thôn Huê Vận 2, anh Nguyễn Văn Lĩnh thử nghiệm chuyển đổi 1 ha cây bạch đàn sang trồng dứa. Do dứa trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã mở rộng quy mô lên 4 ha. 
 
“Cách đây 5 năm, với diện tích này tôi trồng bạch đàn phải mất từ 6 đến 7 năm mới được thu hoạch khoảng 30-35 triệu đồng/ha. Từ khi chuyển sang trồng dứa Queen theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ rải đều thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 8, năng suất đạt 20 tấn/ha với giá bán ổn định từ 6 đến 8 nghìn đồng/kg đã mang về cho gia đình lãi gần 100 triệu đồng/ha”, anh Lĩnh phấn khởi cho biết.
 
Cây dứa “lên ngôi” đã tạo sức lan tỏa ở hầu hết địa bàn xã Bảo Sơn và các địa phương lân cận. Hiện toàn xã có hơn 260 ha dứa Queen được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các thôn: Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Huê Vận 2, Quất Sơn… Và điều đáng mừng nhất, theo ông Lê Văn Ngần, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn đó là đầu ra của cây dứa luôn ổn định. 
 
     Trong vài năm trở lại đây, việc tiêu thụ dứa diễn ra thuận lợi do người dân đã biết cách rải vụ, không còn cảnh dứa chất đống vì chín cùng một thời điểm. Khi đã khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng và mẫu mã đẹp, thương lái ở nhiều nơi đã tìm đến Lục Nam đặt các điểm thu mua chuyển đi tiêu thụ tại thị trường  Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh khác ở miền Bắc.
 
Theo Báo Bắc Giang