Để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, Cty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã liên kết hợp tác phát triển HTX, liên hiệp HTX lâm nghiệp nhằm tạo chuỗi giá trị.
Lãnh đạo Cty Bảo Châu Phú Yên (tỉnh Phú Yên) chia sẻ, từ đề án “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020” và chương trình "Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên", Cty và Liên minh HTX tỉnh Phú Yên thống nhất ban hành chương trình liên kết giai đoạn 2019-2029.
Theo đó, mục tiêu của chương trình nhằm phát triển bền vững các HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp, hình thành chuỗi giá trị liên kết khép kín bền vững trong phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp và tiến tới hình thành vùng nguyên liệu ổn định trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2019 và các năm tiếp thep giữa các HTX, Liên hiệp HTX với Cty Bảo Châu.
Đồng thời phát huy tối đa lợi nhuận từ diện tích đất trồng rừng sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Sản phẩm từ trồng rừng sản xuất của HTX, Liên hiệp HTX, các hộ trồng rừng có tính cạnh tranh về bền vững để đáp ứng nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường, ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh.
Ông Đặng Văn Cần, PGĐ Cty Bảo Châu cho biết, để thống nhất giải pháp phát triển nhanh và bền vững mô hình xây dựng HTX lâm nghiệp, ngày 19/7 vừa qua lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, Trung tâm Quy hoạch thiết kế NN-PTNT Phú Yên, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên và Cty Bảo Châu đã ký biển bản ghi nhớ để thực hiện.
Cụ thể, đối với trách nhiệm Liên minh HTX tỉnh sẽ tuyên truyền sâu rộng đến các HTX, Liên hiệp HTX trên địa bàn về nội dung chương trình phối hợp, cũng như lựa chọn, giới thiệu các HTX, Liên hiệp HTX tham gia hoạt động liên doanh, liên kết với DN.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, lập kế hoạch thành lập ít nhất 2 HTX lâm nghiệp để làm tiền đề phát triển HTX lâm nghiệp vào các năm sau và phấn đấu đến năm 2021 có ít nhất 9 HTX lâm nghiệp được thành lập, với tổng diện tích rừng trồng keo lai lên đến 8.000 ha…
Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên có trách nhiệm nghiên cứu giống keo lai, cây dược liệu trồng dưới tán rừng phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu từng địa phương trên địa bàn, để chuyển giao cho HTX lâm nghiệp. Đồng thời nghiên cứu công nghệ khai thác và sơ chế sản phẩm thu hoạch phù hợp với địa hình và điều kiện tại địa phương…
Lãnh đạo Cty Bảo Châu cho biết: Mục tiêu cụ thể của chương trình liên kết là 100% HTX lâm nghiệp hoạt động đúng qui định Luật HTX năm 2012 hiệu quả, lợi nhuận hằng năm tăng từ 13-17% so với năm trước. Trong đó, 95% HTX tổ chức các dịch vụ cho thành viên trồng rừng từ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm từng bước theo hướng hiện đại…
Trung tâm Quy hoạch thiết kế NN-PTNT Phú Yên soạn thảo kế hoạch xây dựng mô hình HTX lâm nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị và quản lý rừng bền vững; thống kế, quy hoạch vùng trồng rừng tham gia của HTX lâm nghiệp; xây dựng các quy trình, quy chuẩn và định mức về trồng rừng. Phối hợp tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ cho HTX lâm nghiệp trên địa bàn.
Cty Bảo Châu sẽ phối hợp với các tổ chức để hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng rừng và cấp chứng chỉ phát triển rừng trồng bền vững FSC cho HTX lâm nghiệp. Bao tiêu 100% sản phẩm của HTX lâm nghiệp, thành viên HTX lâm nghiệp với giá ổn định 10 năm. Riêng diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì Cty thu mua cao hơn giá thị trường từ 5-15%.
Bên cạnh đó, Cty cũng sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ lâm bạ cho từng thành viên của HTX lâm nghiệp có đất trồng rừng.
Hiện Cty Bảo Châu có trên 3.500ha diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó có gần 2.000 ha diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC-FM và 2 cơ sở chế biến nguyên liệu gỗ rừng trồng.
Theo Nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)