Không chỉ hoàn thành tốt công tác giảng dạy, được học trò yêu mến, thày giáo trẻ Nguyễn Văn Tuyên ở khu Tây An, xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ - Hải Dương) còn là chủ một trại dế có quy mô và hiệu quả kinh tế lớn trong vùng... Chúng tôi tìm đến trang trại khi Tuyên đang miệt mài phun nước giữ ẩm cho trại dế. “Mục sở thị” cơ ngơi của Tuyên mới thấy tin đồn của người dân không sai chút nào. Với quy mô hơn 700 chậu, thiết kế thoáng mát, hợp lý, trại dế của Tuyên xứng đáng thuộc tốp đầu ở miền Bắc.
Tình cờ một lần, anh được người bạn là bác sĩ thú y trong Đồng Nai mách ở miền Nam có nhiều mô hình nuôi dế cho lãi cao. Ở nước ta các loại côn trùng như cào cào, châu chấu, dế, tằm, sâu chít, nhộng tằm, rươi là những loại côn trùng được dùng làm món ăn, một số nơi được coi là món ăn quý. Nghe hấp dẫn, vợ chồng Tuyên liều vay mượn tiền rồi nhờ bạn mua 200 con dế giống về nuôi thử. Tuy nhiên, do để đàn dế bị chết rét nên anh không thu hoạch được gì. Tưởng Tuyên sẽ nản chí và từ bỏ, nhưng sau khi dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật nuôi, đến nay, Tuyên đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và thành công với mô hình này. Anh chia sẻ:
Chọn giống: Chọn dế giống bố mẹ là tơ mới biết gáy, dế mái chưa sinh sản, to, khỏe mạnh nhất trong đàn, không dịch bệnh, dị tật (đủ râu, chân…)
Chuồng trại: Cao ráo, yên tĩnh, thoáng mát có mái che mưa che nắng, xung quanh có lưới đề phòng mèo, chuột bắt dế, có rãnh nước đề phòng kiến xâm nhập gây hại cho dế…
Chuồng nuôi: Có thể là xô, thau, khay, chậu… có nắp đậy nhưng phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát. Nắp đậy, có thể là cái lồng bàn hoặc nắp xô đục nhiều lỗ tạo thông thoáng, ban ngày mở ra, chiều tối đậy lại để phòng tránh dế bay đi và mèo, chuột bắt dế… Trước khi nuôi phải rửa sạch, phơi khô chuồng nuôi và trang thiết bị phục vụ chăn nuôi dế.
Thiết bị chăn nuôi: Rế tre, máng đẻ, máng thức ăn, nước uống cho dế đơn giản, có thể dùng vỏ nghêu, hoặc làm bằng xi măng, đồ sành sứ kích thước không quá lớn nhằm hạn chế dế con chết.
Trong chuồng nuôi, có rế tre hay vỉ tre, rế có lỗ nhỏ (dày) nuôi dế con mới nở đến 25 ngày tuổi, loại thưa nuôi tiếp theo đến thu hoạch. Đất dùng trong máng đẻ là đất sạch, tơi xốp, ẩm vừa phải, có độ dày 3 - 4 cm. Không dùng đất có kiến, đất bị nhiễm hóa chất độc hại... Trên cùng phủ một lớp cỏ cho dế ăn, ở, sinh trưởng phát triển và sinh sản…
Thức ăn: Thức ăn chủ yếu của dế là cỏ, cám hỗn hợp (thường dùng cám gà con), nên xay cám thành bột cho dế ăn, bảo quản nơi khô ráo, không mua nhiều một lúc dễ bị mốc. Cho ăn thêm rau xanh, cải ngọt, cà rốt, củ sắn, cỏ tươi... Có thể cho dế ăn thêm miếng dưa hấu (cắt bỏ phần ruột đỏ), lấy phần sát vỏ, không để nhiều. Cần lưu ý thức ăn chỉ ăn trong ngày, còn dư phải bỏ, không cho dế ăn mầm đậu các loại, chúng sẽ bị rụng râu, chân mà chết.
Dế mỗi ngày một trưởng thành, nên lượng thức ăn ngày càng tăng lên tùy thuộc vào sức ăn của dế. Hàng ngày nước được phun sương để giữ ẩm và cho dế uống.
Chăm sóc nuôi dưỡng: Khi dế có dấu hiệu sắp đẻ ta đặt máng đẻ vào xô nuôi dế bố mẹ hàng đêm cho dế đẻ. Cứ sau mỗi đêm máng đẻ được lấy ra đưa đi ấp, tối đến đưa máng mới vào xô nuôi để dế đẻ tiếp.
Để dế đẻ nhiều và dế con khỏe mạnh, cần lưu ý: Vệ sinh chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi sạch sẽ, khô ráo, máng thức ăn phải được che đậy, tránh nước gây nấm mốc...
Ương nuôi dế con: Dế con mới nở, chuyển sang ương nuôi riêng trong xô nhựa, dùng thức ăn của gà con xay nhuyễn cho dế mới nở ra ăn. Ương nuôi dế con đến 20 ngày ta chuyển sang nuôi dế thịt thương phẩm.
Nuôi dế thịt thương phẩm: Đặt rế, máng thức ăn, nước uống, phủ cỏ tươi như nuôi dế đẻ nhưng số lượng nhiều hơn, tránh nước đọng, ẩm mốc trong xô, tránh để thức ăn tồn dư, ẩm ướt, hôi mốc và không để máng đẻ trong xô nuôi như nuôi dế đẻ.
Ngoài mở rộng trại dế, Tuyên còn đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới là tôm đất trứng và tôm đất lột. Anh bật mí: “Vừa giảng dạy, vừa phát triển kinh tế trang trại nên cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực và lòng say mê, tôi đang cố gắng vươn lên để khẳng định mình và từng bước xây dựng thương hiệu dế Phú Khang”.
Hiện, mỗi tháng anh xuất bán khoảng 80kg dế thịt, trừ chi phí, lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Tuyên còn phát hiện ra phân dế dùng để bón cho cây cảnh rất tốt, do vậy, anh dự định sẽ cung cấp cho thị trường cây cảnh loại phân bón mới. Với nhiều ý tưởng, sáng kiến, thày giáo trẻ Nguyễn Văn Tuyên đang rất thành công với mô hình nuôi dế của mình...
Anh sẵn sàng giúp đỡ cho những ai có nhu cầu về giống và kỹ thuật nuôi dế.
Mọi chi tiết xin liên hệ: Nguyễn Văn Tuyên, khu Tây An, xã Đông Kỳ (Tứ Kỳ - Hải Dương), điện thoại: 03203.605.039
 
 
 
 
Hoàng Nguyên