Đây là Hội nghị do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 18/08/2012 tại Hà Nam. Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Lãnh đạo, đại diện các bộ: KH&CN, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lãnh đạo một số tỉnh/thành phố và Lãnh đạo Sở KH&CN của 11 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); đại diện một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong vùng.
Trong thời gian qua, vùng ĐBSH đã có những định hướng đúng trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực của vùng; đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, nâng cao được năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; một số đối tượng cây trồng đã có sự liên kết của 4 nhà đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng KH&CN trong vùng cũng còn một số hạn chế như: nhiều địa phương chưa thực sự coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, chưa coi KH&CN là giải pháp thúc đẩy hoạt động của ngành, địa phương và doanh nghiệp do vậy chưa có sự quan tâm thoả đáng đối với hoạt động này; đầu tư tài chính cho KH&CN chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư phát triển ở nhiều địa phương còn chưa đúng mục đích nên hiệu quả không cao…
 Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận và đề xuất một số nội dung như: các địa phương cần xác định rõ thế mạnh của mình là gì, từ đó đề xuất phát triển các sản phẩm chủ lực cho trúng và đúng; cần rà soát lại các sản phẩm chủ lực của địa phương sao cho gắn với sản phẩm chủ lực của ngành, vùng và quốc gia; KH&CN cần có tác động sâu hơn nữa, từ khâu chọn tạo giống, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN cần thông thoáng và cởi mở hơn, tạo điều kiện huy động được tối đa nguồn lực cho phát triển KH&CN cũng như sản phẩm chủ lực của các địa phương.
 
 Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh 4 vấn đề gồm: 1) Các địa phương cần xác định sản phẩm chủ lực của mình gắn với sản phẩm chủ lực của ngành, quốc gia. Các bộ chuyên ngành hỗ trợ các địa phương trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chủ lực (hỗ trợ về giống, thiết kế sản phẩm, chuyên gia công nghệ, đào tạo nghề...; 2) Xác định cơ chế giao nhiệm vụ KH&CN. Người đứng đầu các bộ và địa phương cần phải tăng cường việc đặt hàng các nhà khoa học, hoặc đề xuất được với Chính phủ các nhiệm vụ then chốt của ngành/địa phương mình và chịu trách nhiệm đến cùng trong việc thực hiện nhiệm vụ đó; 3) Quy hoạch lại hệ thống các cơ quan nghiên cứu ở các bộ/ngành, địa phương. Khuyến khích các trường đại học hình thành các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; 4) Đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ. Bộ KH&CN cần rà soát lại các phương thức kết nối cung - cầu công nghệ, tìm ra những  hạn chế và nguyên nhân nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới. 
 
Theo Tạp chí Hoạt động Khoa học, 8/2012