Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh (trước đây) được xem như xu thế tất yếu. "Chiếc áo cũ" đã trở nên quá chật chội, không phù hợp với yêu cầu và thực tế xã hội. Những năm gần đây, các lâm trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được chuyển đổi mạnh mẽ, bước đầu vượt qua khó khăn. Xuân này, gia đình chị Dương Thị Phương, bản Bãi Gianh, xã Đồng Hưu (Yên Thế) có thêm nhiều niềm vui, giá gà, lợn tăng cao bù lại những tháng chăn nuôi khó khăn, nhiều nhất là khoản tiền gần 250 triệu đồng từ hơn 2ha rừng trồng bạch đàn vừa cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới được mở chạy ngược lên dãy đồi ngay sau nhà, nền đường và vách ta-luy còn tươi màu đất đồi hằn những vết xe chở cây, chị Phương nói: "Năm 1984, tôi bắt đầu làm công nhân Lâm trường Yên Thế, ngày ấy cuộc sống của những người gắn bó với rừng rất vất vả. Đến năm 1992, gia đình tôi nhận quản lý hơn 3 ha rừng nhưng hiệu quả sản xuất không cao. Chỉ đến khi chuyển hẳn sang trồng rừng kinh tế, chuyên trồng bạch đàn với chu kỳ khai thác 6-7 năm/lần thì thu nhập cao hơn nhiều". Không những thế, trên toàn bộ diện tích nhận khoán, gia đình chị đã cố gắng huy động vốn để đầu tư trồng rừng, không để đất trống đồi trọc, chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật. Anh Trần Văn Ngọc, đội phó đội Bãi Gianh (Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế) cho biết, khu vực đội được giao quản lý có diện tích hơn 400 ha rừng và đất lâm nghiệp. Mô hình liên kết sản xuất hiện nay giữa Công ty và hơn 70 hộ dân và cán bộ, công nhân lâm nghiệp được đánh giá là ưu việt, phù hợp nhất từ trước đến nay. Theo đó, Công ty đầu tư giống, phân bón và hỗ trợ tiền nhân công, người trồng rừng có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, đến chu kỳ khai thác sẽ chia theo tỷ lệ thỏa thuận. Từ khi áp dụng hình thức này, rừng và đất lâm nghiệp được quản lý tốt hơn, không xảy ra tranh chấp, khai thác trái phép. Công ty và công nhân, người dân có rừng đều được hưởng lợi cao hơn sau mỗi chu kỳ khai thác. Trao đổi với ông Hoàng Văn Chúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Yên Thế, được biết trong thời gian ngắn, Lâm trường Yên Thế đã chuyển đổi hai lần, đến nay trở thành Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế. Sau chuyển đổi, Công ty quản lý 2.485ha thuộc quy hoạch rừng sản xuất và bàn giao 1.540 ha đất lâm nghiệp về địa phương. Sau chuyển đổi, mặc dù còn có nhiều khó khăn vướng mắc nhưng Công ty cố gắng khắc phục, từng bước ổn định, phát triển sản xuất. Rừng và đất lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ; vốn ngân sách nhà nước trong Công ty luôn được bảo toàn và phát triển, trước chuyển đổi là 1,5 tỷ đồng chủ yếu là tài sản cố định, đến nay đạt 2,2 tỷ đồng. Hằng năm doanh nghiệp khai thác 250-300 ha rừng trồng và đầu tư trở lại trồng rừng theo hướng sản xuất thâm canh. Sản lượng chế biến 6.000 - 7.000 m3/năm ván bóc và ván xẻ thanh, doanh thu từ rừng trồng và chế biến lâm sản 25-30 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên 4,5 triệu đồng/người/tháng; thanh toán hưởng lợi sản phẩm gỗ rừng trồng và tiền công cho người dân nhận khoán từ 8-10 tỷ đồng/năm. Đánh giá về hiệu quả chuyển đổi, sắp xếp các lâm trường trên địa bàn, ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho rằng, thực hiện chủ trương của tỉnh, Lâm trường Sơn Động I chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động; Lâm trường Sơn Động II chuyển thành Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động. Rừng phòng hộ được bảo vệ tốt hơn, cán bộ quản lý phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng đốt, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Cải tạo cảnh quan môi trường, nguồn nước, hạn chế lũ lụt, bảo vệ hệ sinh thái động vật, thực vật. Việc sản xuất kinh doanh từ rừng mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều diện tích nghèo kiệt hiện nay đã có phương án khai thác, sử dụng hợp lý. Bước đầu khẳng định việc sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh đã mang lại hiệu quả, công tác quản lý, sử dụng đất được chấn chỉnh, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao sản lượng và giá trị nông sản, nổi bật là ở huyện Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng dần được khắc phục, bóc tách được những diện tích đất chưa sử dụng, kém hiệu quả, manh mún, sử dụng sai mục đích... đồng thời giải quyết được vấn đề đất ở, đất sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đã xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, nâng cao năng suất rừng trồng. Bình quân mỗi công ty đạt số dư tín dụng gần 4 tỷ đồng, bảo toàn được vốn, thu nhập của người lao động đạt trung bình 3,2 triệu đồng/tháng (trước sắp xếp, chuyển đổi là 615 nghìn đồng/người/tháng). Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc sắp xếp, đổi mới các lâm trường vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, bộ máy quản lý và sản xuất kinh doanh ở một số công ty TNHH MTV lâm nghiệp cồng kềnh, chưa tinh giản, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều công ty chưa tiến hành đo đạc, cắm mốc lộ giới và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó khăn cho công tác quản lý đất đai. Nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thiếu, không có điều kiện chủ động đầu tư, mở rộng ngành nghề và đa dạng hóa sản phẩm. Chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng khai thác chu kỳ ngắn, gỗ nhỏ, giá trị thấp, thu nhập của người lao động ở mức thấp so với mặt bằng chung... Do đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng, lựa chọn mô hình phù hợp, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại. Tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, năng suất lao động; bảo vệ tốt vốn rừng, đất lâm nghiệp và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp tương xứng với tiềm năng. Nguồn Báo Bắc Giang
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)