Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, để chủ động phòng chống giảm thiệt hại cho bà con, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng, ban hành phương án phòng chống dịch bệnh động vật năm 2013, trong đó tập trung phòng chống những bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, tai xanh và dại. Trường hợp chưa có dịch bệnh xảy ra, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch động vật các cấp, đoàn liên ngành, các tổ, đội kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời thực hiện những biện pháp chuyên môn như tiêm phòng văcxin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiến hành tiêu độc khử trùng khu vực xung quanh, thường xuyên kiểm tra, giám sát vật nuôi để phát hiện kịp thời dịch bệnh, đặc biệt làm tốt công tác vệ sinh, tiêm phòng văcxin cho đàn vật nuôi theo đúng định kỳ và liều lượng. Tăng cường hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức về sự nguy hại cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể là, tuyên truyền vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua, bán, giết mổ động vật và sử dụng sản phẩm động vật mắc bệnh; không mua bán, sử dụng động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát về thú y; không thả rông, không vận chuyển, bán chạy động vật mắc bệnh; không vứt xác động vật bệnh bừa bãi. Khi tiếp xúc với động vật bệnh phải có trang thiết bị bảo hộ đề phòng bệnh lây nhiễm, giúp người dân nâng cao nhận thức và tự giác trong việc khai báo. Trường hợp có dịch xảy ra, tiến hành huy động mọi nguồn lực của địa phương để tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất theo hướng dẫn của cơ quan thú y và những quy định của pháp luật về thú y. Coi công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Khi có đủ các điều kiện thì công bố dịch, Chi cục Thú y xác định và đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định, đồng thời tăng cường và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo PCDĐV các cấp. Hệ thống cơ quan chuyên môn thú y từ tỉnh đến cơ sở là những đơn vị trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo kế hoạch, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân những biện pháp phòng chống, xử lý hiệu quả. Những cơ quan chuyên môn thuộc Sở như: Phòng Chăn nuôi, Phòng Kế hoạch-Tài chính và Trung tâm KNKN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với Chi cục Thú y thực hiện tốt phương án phòng chống dịch theo kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, tham mưu cho lãnh đạo Sở báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT theo quy định. Theo Khuyến nông Bắc Giang