Đó là thực trạng được nêu lên tại buổi tọa đàm “Ảnh hưởng cơ chế chính sách quản lý hoạt động nghiên cứu KH-CN đến chất lượng, khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất nông nghiệp”, do Sở KH-CN TPHCM phối hợp với Trung tâm Sáng tạo Xanh vừa tổ chức.
 
Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ tính riêng 5 năm (2008-2013), đã có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm tạo ra 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, trên thực tế, nền nông nghiệp tại các địa phương vẫn  đang “khát” các đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng để nâng cao năng xuất cây trồng, hoặc phòng chống sâu hại, dịch bệnh…
 
 TS Thái Thị Minh, Viện Kinh tế Nguồn lực và lương thực thực phẩm  (Đại học Copenhagen - Đan Mạch), cho rằng: “Một trong những nguyên nhân là do môi trường chính sách phát triển KH-CN của Việt Nam còn quá nhiều rào cản. Trong đó, ghi nhận cho thấy ngân sách ở các cấp khác nhau dành cho nghiên cứu cơ bản đã giảm nhiều trong 5 năm trở lại đây. Đơn cử như tại Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL, nếu như trước đây viện có khoảng 70-80 triệu đồng dành cho nghiên cứu cơ bản, thì từ năm 2005 đã bị cắt hẳn nguồn đó. Còn tại TPHCM, từ năm 2011, chương trình nghiên cứu cơ bản đã bị sát nhập vào các chương trình nghiên cứu khác. Từ đó, các đề tài nghiên cứu cơ bản khó xin kinh phí do bị cạnh tranh trực tiếp từ các đề tài ứng dụng”. Cũng theo TS Thái Thị Minh, trong nông nghiệp, muốn phòng trừ sâu hại, phải nghiên cứu nó sinh thế nào, tập tục sống ra sao. Nếu chỉ đề cao nghiên cứu ứng dụng, khoa học nông nghiệp Việt Nam giống như đèn cù, chạy vòng quanh mà không có gốc.
 
 Song ông Lê Văn Tiến, Giám đốc Sở KH-CN Bình Thuận, lại có cái nhìn khác:  Cơ chế, chính sách còn gây khó khăn cho các nhà khoa học là đúng nhưng chưa phải là yếu tố quyết định. Mấu chốt của vấn đề này nằm ở chỗ địa phương, nhà khoa học và nông dân chưa gặp gỡ và trao đổi với nhau. Như tại Bình Thuận, xác định cây Thanh Long là cây trồng chính, nên tỉnh rất mong muốn các nhà khoa học đề xuất các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng ngay, giải quyết những vấn đề năng suất, sâu bệnh… của cây trồng này. Còn khâu nghiên cứu cơ bản cần trình độ và kinh phí lớn, nên nhường lại cho các trường, viện.
 
Tại đây, các đại biểu nhìn nhận, để đạt được mục tiêu phát triển KH-CN nông nghiệp giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020, đã đặt ra (tỷ lệ các đề tài nghiên cứu có kết quả được ứng dụng vào sản xuất đạt hơn 70%; giá trị gia tăng trong nông nghiệp do KH-CN đem lại đạt 40% vào năm 2015 và đến năm 2020 con số này là 60%…) trách nhiệm của các địa phương là hết sức quan trọng. Ngoài việc tổ chức đánh giá kết quả ứng dụng đề tài nghiên cứu những năm qua, cần tạo điều kiện cho nhà khoa học và nông dân gặp gỡ, khi đó, các nghiên cứu mới dễ đi vào thực tiễn cuộc sống.
 
 
 
Nguồn tin: Sài Gòn Giải phóng