Tỉnh Ninh Bình đang ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống khoai sọ bản địa nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khoai được trồng thí điểm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Quang, huyện Nho Quan.
So với giống truyền thống, khoai sọ nuôi cấy mô có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, cho năng suất cao, ổn định và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.
Ông Hoàng Trọng Lễ, Giám đốc Trung tâm ứng dụng KHCN và Đo lường Thử nghiệm cho biết, nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, người trồng khoai sọ có thể đạt lợi nhuận 130 triệu đồng/ha, cao hơn 30 triệu đồng/ha so với khoai sọ củ bi thông thuờng.
Việc mở rộng mô hình trồng khoai sọ bằng công nghệ nuôi cấy mô rất khả thi bởi không chỉ góp phần để phát triển thành vùng hàng hóa mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân.
Người dân muốn trồng giống khoai nuôi cấy mô cần áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật. Đất trồng cần được cày bừa kỹ, nhặt cỏ sạch sau đó đào hố hình tam giác, mỗi cạnh 20 cm mới gieo củ, mỗi củ cách nhau 40 cm, hàng cách hàng 70 cm. Mức phân bón cho 1 ha gồm 2 tấn phân chuồng, 220 kg đạm urê, 470 kg supe lân và 165 kg kali clorua. Bước đầu, người trồng bón lót toàn bộ phân chuồng và 2/3 lượng phân lân. Khi cây được 3 lá thì bón thúc lần 1 với 1/2 lượng đạm, 1/3 lượng kali clorua kết hợp làm cỏ, vun xới đất.
Sau 60 ngày bón cây với lượng đạm, lân còn lại và 1/3 lượng kali. Cây phát triển được 120 ngày bón với số lượng phân kali còn lại kết hợp vun gốc cao cho khoai làm củ. Khi bón phân nên bón cách gốc 10 cm, không quá sâu hoặc quá xa gốc. Thời kỳ lúc khoai 5 đến 6 lá, cần tránh để khô hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Trước khi thu hoạch 1 đến 2 tháng, hạn chế tưới nước và ngừng hẳn để củ chuyển hóa tinh bột hoàn toàn.
Khoai sọ là loại cây trồng chủ lực trong vụ đông tại huyện Nho Quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Quang Quách Đình Liệp, việc mở rộng diện tích trồng loại cây này còn hạn chế do phương pháp nhân giống truyền thống của người dân chủ yếu bằng củ con do các hộ tự chọn sau mỗi vụ thu hoạch nên giống đạt chất lượng chưa cao, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất.
Từ khi áp dụng phương pháp này, cây trồng không những sạch bệnh, giảm được chi phí thuốc trừ sâu, phân bón trong quá trình canh tác mà còn đưa số củ khoai đạt chất lượng tốt để làm giống cao gấp 2 lần so với khi áp dụng cách trồng khoai thông thường.
Thời gian tới, Hợp tác xã nông nghiệp Yên Quang sẽ quy hoạch thành vùng sản xuất khoai sọ tập trung để thuận lợi cho việc chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế.
(Vietnam+)
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)