Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI), các nhà khoa học thuộc Phòng Chọn tạo giống của Viện đã lai tạo thành công thêm một giống thanh long mới có giá trị kinh tế cao. Đó là giống thanh long ruột tím hồng có ký hiệu LĐ5.
Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu lai tạo kiên trì trong khoảng tám năm (từ năm 2005 đến nay) qua hai giai đoạn.
Giai đoạn I (2005 – 2008), thông qua phương pháp lai hữu tính từ bốn dòng thanh long bố mẹ là thanh long ruột trắng tỉnh Bình Thuận, thanh long ruột trắng Chợ Gạo (Tiền Giang), thanh long ruột đỏ Long Định 1 (LĐ1), dòng thanh long lai H10. Sau đó, đánh giá hiệu quả từng dòng lai và chọn ra các dòng triển vọng có màu sắc đẹp, thịt quả hồng hay tím.
Giai đoạn II (từ 2009 đến nay), đưa ra trồng khảo nghiệm các dòng lai thanh long để tuyển chọn con lai có ưu điểm vượt trội có thể nhân giống phục vụ chương trình kinh tế vườn các tỉnh, thành phía Nam.
Để khẳng định ưu điểm của giống thanh long ruột tím hồng mới lai tạo được, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã thực hiện khảo nghiệm về tính khác biệt, đồng nhất và ổn định (DUS), giá trị canh tác và sử dụng (VCU), trong đó, Viện Cây ăn quả miền Nam đã trồng khảo nghiệm VCU tại ba điểm ở các địa phương là Tiền Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu cho kết quả rất tốt.
Tại Tiền Giang, sau 16 tháng trồng, giống thanh long ruột tím hồng đạt năng suất 14,54 kg/trụ (vụ chính), tại Long An, đạt năng suất 11,61kg/trụ và tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đạt năng suất 4,89kg/trụ.
Đáng chú ý, giống thanh long ruột tím hồng có khả năng cho trái rải vụ quanh năm với những ưu điểm vượt trội mà các nhà khoa học ghi nhận được qua trồng khảo nghiệm là sinh trưởng mạnh, cành to, quả hình trứng hoặc trứng thuôn, vỏ đẹp, tai quả xanh, thịt quả tím hồng rất bắt mắt, chất lượng quả ngon... Đặc biệt, giống thanh long ruột tím hồng mới được lai tạo nhiễm sâu bệnh ở mức ít đến trung bình nên rất thuận lợi cho sản xuất.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, giống thanh long ruột tím hồng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức và được Cục Trồng trọt cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.
Trước đó, cũng thông qua công tác nghiên cứu khoa học và chọn tạo giống, các nhà khoa học của Viện đã lai tạo thành công giống thanh long ruột đỏ (ký hiệu LĐ1) đang được trồng rộng rãi tại nhiều địa phương như Tiền Giang, Long An, Bình Thuận... mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho nông dân.
Hiện nay, Viện Cây ăn quả miền Nam cũng đang bảo tồn 20 giống thanh long từ nguồn thu thập trong nước và du nhập từ nước ngoài cùng 40 giống thanh long lai, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn gene, chọn tạo giống.
khoahoc.com.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)