Giá lúa gạo ở ĐBSCL giảm sâu khi đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định cho thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để cứu giá lúa.
Tồn kho lớn
Ngay sau chính sách mua tạm trữ được công bố, nhiều thương lái ở ĐBSCL cho biết hôm qua giá lúa đã nhích nhẹ lên vài chục đồng/kg so với mấy ngày trước. Tuy nhiên, mức tăng này quá thấp so với mức giảm trung bình khoảng 1.000 đồng/kg trước đó. Cụ thể, cuối tháng 2 giá lúa tươi chất lượng cao tại ruộng dao động từ 5.200 - 5.800 đồng/kg nhưng đã giảm chỉ còn 4.600 - 5.100 đồng/kg vào đầu tháng 3. Lúa thường có mức giảm mạnh nhất, khoảng 1.000 đồng, xuống còn 4.000 - 4.200 đồng/kg.
Trong khi đó, theo Bộ NN-PTNT, giá các loại vật tư nông nghiệp trong vụ này tăng, đẩy giá thành trung bình khoảng 3.769 đồng/kg lúa, tăng 247 đồng/kg so với vụ đông xuân trước. Như vậy, rõ ràng với giá lúa hiện tại nông dân không còn lời.
Theo giải thích của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), có hai nguyên nhân dẫn đến giá lúa giảm mạnh là nông dân đang thu hoạch rộ và xuất khẩu (XK) gạo đang gặp khó khăn. Trong 2 tháng đầu nay, cả nước đã xuất khẩu 749.000 tấn gạo. Lượng gạo tồn kho ở các doanh nghiệp (DN) tính đến cuối tháng 2 là khá lớn. Theo VFA, thị trường gạo thế giới đang có những diễn biến không thuận lợi, đặc biệt là khi Thái Lan đang có chủ trương giải phóng lượng gạo tồn kho (khoảng 20 triệu tấn) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ và XK lúa gạo trong nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng: "Trong tháng 2, giá chào gạo 5% tấm của VN vào thị trường Malaysia là 391,5 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ chào 380 USD/tấn. Bối cảnh này đã dẫn đến thực trạng đáng lo ngại là các nước nhập khẩu truyền thống của VN như Philippines, Indonesia cũng tạm dừng những thỏa thuận hợp đồng nhập khẩu để nghe ngóng thông tin thị trường”. Còn VFA thì cho biết, giá chào XK gạo của DN trong nước đã giảm mạnh. Cụ thể gạo 5% tấm hiện giảm khoảng 10 - 15 USD/tấn so với mức giá hồi đầu tháng 3.2014. Đây là mức giá DN không có lời.
Giảm lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chấp thuận chủ trương cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay trần tối đa áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp từ 9%/năm còn 8%/năm. Riêng đối với các mô hình liên kết, ưu tiên, thí điểm trong sản xuất nông nghiệp còn 7%/năm. Chủ trương này Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố hôm nay, 17.3.
Tạm trữ chỉ giải quyết phần ngọn
Mùa vụ sản xuất là cố định, thị trường lúa gạo cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK dẫn đến việc rớt giá là điều đã được báo trước. Nhưng năm nào cũng vậy, chỉ khi giá lúa đã giảm rất sâu thì ngành nông nghiệp mới đề xuất Chính phủ có giải pháp ứng phó là tạm trữ. Đây là hành động quá chậm chạp.
Ngay tại thời điểm này, khi nông dân khóc ròng trên ruộng vì lúa rớt giá mạnh thì tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng đồng ĐBSCL tổ chức tại TP.Cần Thơ cuối tuần qua, trong lúc các tỉnh đề xuất Chính phủ cho triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giữ giá lúa không xuống thấp, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN Trương Thanh Phong lại cho rằng khi nào giá lúa xuống thấp hơn giá thành hãy mua. Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện ngay từ ngày 15-3 để không gây lo lắng cho nông dân.
Đánh giá về chính sách mua tạm trữ lúa, GS Võ Tòng Xuân cho rằng mục tiêu của chính sách thu mua tạm trữ là bảo đảm cho nông dân có lãi 30%. Đó là một mục tiêu tốt. Nhưng thực tế nhiều năm qua nông dân trồng lúa lời chưa tới 10%, thậm chí còn lỗ. Vì vậy, chính sách tạm trữ cần được tính toán trong một cái nhìn toàn cảnh, chứ không thể là một giải pháp tình thế như hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bức xúc: Ngành nông nghiệp luôn đợi nước tới chân mới nhảy. Tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. Đúng ra chỉ nên sử dụng nó một lần để giải quyết vấn đề trước mắt rồi sau đó phải có chiến lược lâu dài hơn. Nhưng năm nào chúng ta cũng sử dụng. Theo ông Nhị, dù có chính sách tạm trữ nhưng đang vào vụ thu hoạch rộ nên có thể chỉ ngăn được giá lúa không giảm thêm, chứ khó tăng.
"Vấn đề cốt lõi là chúng ta sản xuất không dựa vào nhu cầu của thị trường thế giới. Đúng ra chúng ta phải tìm hiểu thị trường về số lượng và chất lượng, từ đó giao chỉ tiêu về các địa phương và sản xuất ở vùng nào mà giá thành sản xuất thấp nhất. Không phải cứ có bao nhiêu diện tích là cứ trồng lúa hết, rồi tới lúc thu hoạch không biết bán cho ai", ông Nhị nói.
Đồng quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng tạm trữ là giải pháp ngọn, trong khi phải thay đổi phần gốc thì chúng ta không làm. Đó là tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Thay vì đưa tiền cho DN thu mua tạm trữ thì thông qua các hợp tác xã "đưa tiền” trực tiếp cho nông dân để họ tạm trữ. Nông dân lấy tiền đó trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất vụ mới. Khi giá lúa tăng, nông dân có thể bán lúa và trả tiền lại cho nhà nước. "Nếu tổ chức được như vậy thì lợi ích thật sự mới vào túi nông dân”, GS Xuân nói.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải khẩn trương tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ gắn kết với người nông dân. Không có liên kết thì khó hiệu quả cao. Mô hình tốt thì đã có rồi. Bây giờ phải đẩy nhanh, mở rộng ra và làm thật quyết liệt.
Theo TNO
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)