Từ ngày 1-7, 5 Luật mới chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều quy định quan trọng, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Tiếp công dân, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi.
Luật Đất đai
Luật Đất đai năm 2013 bổ sung quy định về các trường hợp đăng ký lần đầu, đăng ký biến động; quy định đăng ký đất đai trên mạng điện tử nhằm khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà khi người dân trực tiếp đăng ký. Kèm theo Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn như Nghị định 43, 44, 45, 46/2014/NĐ-CP.
Luật Đất đai 2013 quy định chế tài khá rõ đối với trường hợp chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng, quy định đầy đủ, chi tiết về những trường hợp thật sự cần thiết Nhà nước phải thu hồi. Theo luật mới, giá đất bồi thường được áp dụng theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất.
Luật Phòng cháy chữa cháy
Cũng có hiệu lực từ 1-7, Luật Phòng cháy chữa cháy sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cũ nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, Luật có điểm mới là cho phép kinh doanh dịch vụ PCCC. Tuy vậy, tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ này phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và các điều kiện khác. Luật cũng bổ sung quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân, sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ…
Luật Đấu thầu
Kể từ ngày 1-7, Luật Đấu thầu quy định rõ 4 phương thức đấu thầu (phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ). Nhà thầu nước ngoài đấu thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh với nhà thầu trong nước. Luật cũng ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo việc làm cho lao động trong nước, ưu đãi đối với nhà thầu và hàng hóa sản xuất trong nước. Luật còn bổ sung một số hành vi bị cấm trong đấu thầu, quy định thêm biện pháp xử phạt đối với cá nhân được giao trách nhiệm xử phạt nhưng không tuân thủ quy định, buộc bồi thường thiệt hại, các biện pháp phạt bổ sung như đăng tải công khai vi phạm,...
Luật Tiếp công dân
Từ 1-7, đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về tổ chức và hoạt động tiếp công dân - Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực. Luật sư Võ Đình Hải – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật Tiếp công dân mới quy định các cơ quan phải có trách nhiệm tiếp công dân công khai, dân chủ tại trụ sở cơ quan, đảm bảo quyền lợi của người dân, an toàn cho người tố cáo. Luật cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân (lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình, trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng).
Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí
Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi) quy định rõ về các trường hợp lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quyết toán ngân sách Nhà nước; mua sắm, quản lý, sử dụng phương tiện làm việc; tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý đất đai, tài nguyên… Luật cũng bổ sung nhiều quy định khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hành tiết kiệm, phát hiện lãng phí, chống lãng phí…
Cùng với 5 Luật, từ 1-7, một số văn bản dưới luật và chính sách mới cũng sẽ có hiệu lực thi hành:
Phi công được lái máy bay tới 65 tuổi
Theo Thông tư số 14/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về Quy chế an toàn hàng không dân dụng, độ tuổi tối đa của phi công lái tàu bay (máy bay) sẽ được nâng lên 65 tuổi (trước đây là 60 tuổi).
Được gộp phép 3 năm nghỉ một lần
Thông tư số 57/2014/TT-BTC ngày 6-5-2014 do Bộ Tài chính ban hành quy định, cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ phép gộp tối đa 3 năm một lần.
Đào tạo thạc sĩ từ 1- 2 năm
Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1- 2 năm. Thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên.
Cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp
Từ 1-7, doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng. Quy định này được quy định rõ tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoài ra, nhiều nội dung trong vấn đề quản lý loại hình kinh doanh này cũng bị siết chặt: Cấm kinh doanh đa cấp theo mô hình kim tự tháp, người tham gia hội nghị, hội thảo, khóa đào tạo kiến thức cơ bản phải trả tiền hoặc phí, không cam kết nhận lại hàng hóa… Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp phải đáp ứng các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo ANTĐ
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)