Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa cho biết, năm 2015, Việt Nam sẽ trồng ngô biến đổi gene. Việc Việt Nam chậm trễ trong việc đưa cây trồng biến đổi gene vào sản xuất, vì: “Ở ta, có nhiều người phản đối trồng cây biến đổi gene, nên phải làm rất khoa học, bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế. Mãi mới đây, chúng ta mới công nhận được 4 sự kiện biến đổi gene được sử dụng ở Việt Nam”- ông Phát nói.
Tuy nhiên, theo ông Phát, đó chỉ là mới 4 sự kiện (còn gọi là 4 tổ hợp chuyển gene), có thể nạp vào giống ngô để tạo thành giống biến đổi gene. Hiện, Bộ này đang xem xét, những giống được “cấy” biến đổi gene đó có được trồng ở Việt Nam hay không. Được biết, 1/4 sự kiện chuyển gene trên đã được Bộ TN&MT cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học. Nếu thuận lợi, sang năm 2015, Việt Nam sẽ bắt đầu trồng ngô biến đổi gene.
Về việc dán nhãn sản phẩm cây trồng biến đổi gene, ông Phát cho biết sẽ được thực hiện từng bước. Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, hoàn thiện cơ sở pháp lý, từ đó mới tổ chức thực hiện. “Chúng tôi đang thực hiện theo kế hoạch dự kiến, trong năm nay sẽ ra thông tư hướng dẫn việc dán nhãn”, ông Phát nói.
Theo ông Phát, trên thế giới, năng suất ngô trung bình 5 tấn/ha, còn ở Việt Nam là 4,4 tấn/ha. Ở Mỹ, diện tích trồng ngô 30 triệu ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 1 triệu ha, nên cần tập trung giải pháp để tăng năng suất. Trên thế giới có khoảng 150 triệu ha cây trồng biến đổi gene. Trong đó, bông biến đổi gene chiếm tới 80% diện tích (bông) toàn thế giới; đậu tương 2/3 diện tích; ngô là 1/2 diện tích.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam Phạm Thanh Bình, ngành chăn nuôi sử dụng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gene từ lâu, với nguồn ngô, đậu tương nhập từ Mỹ, Nam Mỹ, Ấn Độ…
Theo TPO
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)