Đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng được đề án, cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, sau 2 năm thực hiện, kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.
 
 
 
Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 30,86 tỉ USD, tăng 11,2% so với năm 2013.
 
 
 
Ước tính 6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết bất thường, bất lợi về thị trường, nhưng giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,41% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
 
 
Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỉ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
 
 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai tái cơ cấu còn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân chính là do nhận thức về tái cơ cấu chưa đúng mức, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương một số nơi còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo.
 
 
 
Đến nay vẫn còn 16 tỉnh, thành phố chưa xây dựng được đề án cũng như kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương; một số địa phương tuy đã phê duyệt nhưng lại chưa triển khai.
 
 
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích: Thực hiện tốt tái cơ cấu là cách duy nhất để khắc phục cơ bản những tồn tại, tạo điều kiện cho nông nghiệp chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đạt kết quả cao hơn.
 
 
 
Để thực hiện thành công chủ trương lớn này cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao và nỗ lực to lớn của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng với nông dân và các doanh nghiệp.
 
 
 
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Để đẩy mạnh tái cơ cấu phải tăng cường tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức trong các cơ quan có trách nhiệm cũng như bà con nông dân để tất cả vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt.
 
 
 
Phải triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu là tổ chức lại sản xuất với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp, tổ chức lại các hợp tác xã, các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị.
 
 
 
Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân để góp phần thay đổi sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.
 
 
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp nêu rõ: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong triển khai tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi các Bộ, ngành thành viên phối hợp với các địa phương khẩn trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp để nắm bắt những cơ hội và ứng phó với thách thức trong tiến trình hội nhập hiện nay.
 
 
 
Thu Trang (Th)