Đến năm 2020, thương hiệu gạo quốc gia sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia.
 
 
 
Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong thương mại sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông sản nói chung và gạo nói riêng.
 
 
 
Vừa qua, đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 21/5/2015. Đây là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản, là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cho các nông sản chủ lực khác như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản…sau này
Mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến năm 2020, hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu. Phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
 
 
 
Trong đó, một mục tiêu quan trọng của Đề án là đến năm 2020, thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia. Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo cũng sẽ được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định.
 
 
 
Theo Bộ KH&CN, nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.
 
 
 
Về những lợi ích mà NHCN mang lại, ông Lưu Đức Thanh, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN cho hay, khi bảo hộ NHCN, mức độ bảo hộ của sản phẩm sẽ cao khi gắn với dấu hiệu, tên gọi, doanh nghiệp sẽ tạo được sự chuẩn mực và đồng đều về sản phẩm. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là về vấn đề chất lượng.
 
 
 
Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ địa phương, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, mô hình tăng trưởng mới của Đảng và Nhà nước là dựa nhiều vào KH&CN, chất xám để tăng giá trị gia tăng. Do đó, xây dựng nền kinh tế tri thức phải có KH&CN và sở hữu trí tuệ.
 
 
 
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo là yếu tố then chốt
 
 
 
Nhãn hiệu được bảo hộ trong thương hiệu quốc gia sẽ bao gồm phần hình và phần chữ. Phần hình thể hiện lịch sử, truyền thống, văn hóa, giá trị và đặc trưng của sản phẩm. Phần chữ thể hiện đặc trưng, nguồn gốc và mức độ bảo hộ của sản phẩm. Theo ông Lưu Đức Thanh, đối với sản phẩm gạo, có thể lấy phần chữ là Viet rice hay Vietnam rice…hay có thể là một cụm từ khác mà các bên cần phân tích, đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng cụm từ để có những lựa chọn phù hợp.
 
 
 
Ông Thanh cho hay, cần xây dựng đặc tính sản phẩm dựa vào các tiêu chí để chủ sở hữu nhãn hiệu đáp ứng, dựa trên các lợi thế mà gạo Việt Nam sẵn có. Trong đó, việc tham gia của doanh nghiệp là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của việc xây dựng thương hiệu.
 
 
 
“Trong quá trình sử dụng, các doanh nghiệp có thể áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiến bộ nâng cao chất lượng sản phẩm. Sẽ nảy sinh nhiều sáng chế, đối tượng sở hữu trí tuệ. Do đó, các doanh nghiệp nên có những chuẩn bị để đánh giá xem việc sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ đó mang lại hiệu quả kinh tế như thế nào”, ông Lưu Đức Thanh nói.
 
 
 
Thực tế đã chỉ ra rằng, trên thế giới, những doanh nghiệp nào sử dụng nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ là các doanh nghiệp vững mạnh, phát triển tốt nhất. Do đó, theo ông Thanh, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều tài sản trí tuệ. Sau đó, doanh nghiệp cần đăng ký những đối tượng được sáng tạo ra như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, các sáng chế. Ngoài đăng ký ở Việt Nam cần có sự bảo hộ ở những thị trường đang hướng tới, thị trường tiềm năng. “Nếu không các thị trường sẽ cấm mặc dù chính là sở hữu của doanh nghiệp”, ông Thanh chia sẻ.
 
 
 
Đối với Đề án xây dựng Thương hiệu gạo Việt Nam lần này, sự tham gia của Bộ KH&CN có 3 nhiệm vụ lớn. Đó là xây dựng các chương trình đề án đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; Xây dựng đề án phát triển công nghệ phụ trợ hỗ trợ cho việc xuất khẩu gạo; Những dự án, đề tài, chương trình trang bị cho các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu thương mại.
 
 
 
Trong đó, Bộ KH&CN sẽ cử các cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ nghiên cứu để tư vấn cho doanh nghiệp. Điều này sẽ tránh được việc mất thời gian và tốn kém kinh phí nếu từng doanh nghiệp tự tìm hiểu và đăng ký. “Cục Sở hữu trí tuệ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đăng ký tài sản sở hữu trí tuệ”, ông Thanh khẳng định.
 
http://vietq.vn/