Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý chất thải trong chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Góp phần giải quyết vấn đề này, năm 2015, nhóm nghiên cứu đứng đầu là TS. NCVCC Trần Văn Tựa, Viện Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp với tận dụng chất thải của các trang trại chăn nuôi lợn, qua đó góp phần bảo đảm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nghiên thiên nhiên, Mã số KC08.04/11-15, nhằm xác lập cơ sở khoa học và xác định qua thực nghiệm các chỉ số kỹ thuật - kinh tế chủ yếu của một số công nghệ tiên tiến áp dụng cho xử lý nước thải (các công nghệ vi sinh yếm khí và thiếu khí; công nghệ sinh thái), chất thải rắn và mùi trong trang trại chăn nuôi lợn. Đánh giá tính phổ cập và xây dựng phương án ứng dụng các công nghệ này trên thực tế. Xây dựng được mô hình ứng dụng các công nghệ xử lý hiệu quả chất thải đáp ứng QCVN loại B cho nước thải công nghiệp trên cơ sở kết hợp áp dụng đồng bộ 3 khâu công nghệ xử lý nước thải, công nghệ xử lý chất thải rắn và không khí.
Các kết quả mà nghiên cứu đạt được như sau:
Đã giải quyết được một cách tương đối có hệ thống và cơ bản vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, bao gồm cơ sở khoa học, đánh giá hiệu quả và tính khả thi của các loại hình công nghệ, từ đó đề xuất công nghệ phù hợp cho trang trại nhằm góp phần giải quyết vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay. Kết quả nghiên cứu cũng góp phần tạo bước tiến trong phát triển công nghệ xử lý môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi lợn ở Việt Nam nói riêng và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung.
Việc xây dựng được công nghệ xử lý phù hợp có tính khả thi đối với chất thải ngành chăn nuôi sẽ tạo điều kiện để các trang trại chăn nuôi ứng dụng và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường an toàn sinh học, giảm dịch bện và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế của trang trại chăn nuôi.
Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng và đưa và hoạt động mô hình đồng bộ xử lý chất thải chăn nuôi lợn trang trại gồm 3 hạng mục:
- Xử lý nước thải: Do nước thải chăn nuôi lợn trang trại ô nhiễm rất cao. Trong nước thải chăn nuôi, hàm lượng chất hữu cơ, nitơ (N), phốt pho (P), coliform rất cao nên gây ô nhiễm nặng cho môi trường. Vì vậy, nước thải được xử lý 3 bước kế tiếp, không thay thế và hỗ trợ lẫn nhau là xử lý yếm khí với kỹ thuật ABR để loại phần lớn chất hữu cơ (COD), tiếp theo là xử lý bằng kỹ thuật lọc sinh học Hiếu khí - Thiếu khí loại bỏ tiếp COD và phần lớn N và P và cuối cùng là xử lý bổ xung bằng CNST sử dụng TVTS loại bỏ tiếp COD, N và P đến mức chấp nhận về mặt môi trường.
- Xử lý chất thải rắn (Phân, rác thải hữu cơ và bùn thải sinh học): Xử lý bằng bùn ủ với chế phẩm VSV ưa nhiệt do nhóm nghiên cứu tạo ra để sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
- Xử lý mùi chuồng bằng kỹ thuật phun sương dung dịch siêu ô xy hóa thân thiện với môi trường. Với kỹ thuật này, mùi chuồng nuôi giảm trên 70%.
Các công nghệ ứng dụng trong mô hình là tiên tiến và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Công nghệ không những không quá phức tạp về xây dựng, trang thiết bị, vận hành, đầu tư không cao, hiệu quả xử lý chất ô nhiễm khá cao mà còn có thể áp dụng cho các trang trại quy mô trung bình và lớn. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã làm chủ được công nghệ, có thể tư vấn, thiết kế và triển khai ứng dụng công nghệ này vào thực tế. Mô hình công nghệ này có thể sử dụng để xử lý chất thải chăn nuôi đại gia súc đặc biệt cho các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Chất lượng nước thải và chất thải rắn sau xử lý có thể tái sử dụng nước cho trang trại và sản xuất phân bón hữu cơ chất lượng cao có thương hiệu.
Nguồn P.T.T - NASATI.
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)