Trước tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, cần có những chiến lược ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phù hợp, nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Việc xây dựng bản đồ công nghệ (BĐCN) sẽ đánh giá toàn diện năng lực của ngành chọn tạo và sản xuất giống lúa trong nông nghiệp. Nhất là thông qua bản đồ công nghệ, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân sẽ biết được nhiều thông tin để có thể tìm hướng phát triển sản phẩm trong giai đoạn hiện nay và sau này.
Trong thời gian qua, việc ứng dụng đổi mới công nghệ đã tăng 35% tăng trưởng của ngành nông nghiệp, giúp bảo đảm an ninh lương thực và đưa Việt Nam nằm trong những nước xuất khẩu lúa, gạo hàng đầu trên thế giới. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp, ngành sản xuất lúa gạo cần có những chiến lược đổi mới, phát triển công nghệ phù hợp, phát triển chiều sâu, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao. Theo Cục trưởng Ứng dụng và Phát triển TS Tạ Việt Dũng, mối liên quan giữa công nghệ, sản phẩm và thị trường là không thể tách rời. Thông qua BĐCN, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được thông tin về thị trường và phân khúc thị trường của các sản phẩm; giá trị xuất khẩu, nhập khẩu, tình hình cạnh tranh. Nhất là sẽ đánh giá được năng lực, trình độ của các doanh nghiệp, viện, trường; số lượng, chủng loại công nghệ hiện nay của Việt Nam so với thế giới; yêu cầu của công nghệ đối với các loại sản phẩm và hướng đầu tư phát triển sản phẩm. Doanh nghiệp sẽ có cơ hội nắm được thông tin về thị trường, sản phẩm đang sản xuất; các công nghệ mới và tiên tiến hơn công nghệ đang sử dụng đang được áp dụng ở đâu; đâu sẽ là công nghệ quan trọng, hỗ trợ cho các sản phẩm trong tương lai; xu hướng phát triển công nghệ và sản phẩm mới; các hướng hợp tác với các đơn vị, tổ chức KH&CN có năng lực ở Việt Nam. Nhất là với ngành lúa gạo, khi Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. BĐCN sẽ cung cấp các thông tin, định hướng công nghệ trong tương lai cần nghiên cứu để cải thiện năng suất, chất lượng, hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu gây ra.
Thông tin từ Bộ KH&CN cho biết, thời điểm hiện tại các đơn vị chức năng đều cơ bản đã hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng BĐCN và lộ trình đổi mới công nghệ cho ngành chọn tạo lúa gạo phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện các định hướng công nghệ cần tập trung nghiên cứu. Đồng thời phối hợp các nhà khoa học để nghiên cứu những công nghệ đưa ngành lúa gạo phát triển, có những thương hiệu, giống lúa mới, có khả năng cạnh tranh được với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Như hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu các giống lúa chịu hạn, mặn của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Di truyền nông nghiệp… đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, theo TS Đào Thế Anh (Công ty CP giống cây trồng Trung ương), đối với ngành chọn tạo giống lúa hiện nay vẫn dựa trên công nghệ truyền thống (lai tạo), vai trò của các công nghệ mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu; chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ và kế thừa trong các khâu, nhánh công nghệ mới, cho nên chưa tạo được giống lúa đạt chuẩn quốc gia tương đương với giống lúa của một số nước trong khu vực và thế giới; chưa xây dựng được chế độ báo cáo và đánh giá chính xác từng giống lúa hằng năm hiện có bao gồm: diện tích, năng suất, chất lượng và thị phần xuất khẩu… Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, ngay cả khi có BĐCN về lúa gạo, việc thực hiện triển khai vào thực tế còn rất nhiều rào cản về trình độ công nghệ, quỹ đất và các yếu tố khác của thị trường. Nhất là hiện nay Nhà nước vẫn chưa có cơ chế để các công ty được hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập khai thác nguồn gien, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; chưa gắn hoạt động của chuyên gia tạo giống với doanh nghiệp để cùng góp vốn nghiên cứu; chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn lực và quan hệ hợp tác quốc tế và ban hành các định chế tổ chức thị trường KH&CN… Nếu không đồng thời giải quyết những vướng mắc nói trên, thì đây sẽ là những rào cản đối với việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất lúa gạo khi có BĐCN. Theo TS Tạ Việt Dũng, trong thời gian tới, để hoàn thiện và áp dụng kết quả xây dựng BĐCN, Bộ KH&CN sẽ xây dựng chiến lược chính sách, nghị quyết cấp quốc gia có gắn kết với phát triển KH&CN; thực hiện việc quản lý các đề tài, dự án, chương trình KH&CN; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ rõ ràng, hiệu quả.
Việc xây dựng BĐCN cho ngành lúa gạo là chủ trương hoàn toàn đúng, nhờ đó các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân có thể tìm được hướng nghiên cứu, phát triển và sản xuất để đạt hiệu quả cao. Nhưng đồng thời, để BĐCN có thể áp dụng, đi vào thực tiễn có hiệu quả, vẫn cần những cơ chế, giải pháp để kết nối giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân. Có như vậy thì BĐCN mới thật sự trở thành công cụ hữu ích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Báo Nhân dân
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)