Ngày 4/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo Nâng cao năng suất sinh sản của đàn bò trên địa bàn Hà Nội, với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các kỹ sư chăn nuôi.
Tại đây, các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều hạn chế trong phương thức gây giống truyền thống, dẫn đến năng suất sinh sản của đàn bò ở Hà Nội còn rất thấp. Để nâng cao năng suất sinh sản của đàn bò trên địa bàn Hà Nội cần đưa các tiến bộ kỹ thuật khoa học mới vào trong chăn nuôi bò, tăng khả năng sinh sản, sản lượng sữa cũng như chất lượng thịt.
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, cho biết, sau nhiều năm, Hà Nội đã thành công cho ra đời giống bò lai Sind chất lượng tốt. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ, các đời con lai không còn giữ được những đặc tính nổi bật ban đầu. Chính vì thế, Hà Nội đang rất cần những giống bò lai mới làm nền, từ đó sản xuất ra các loại bò thịt, bò sữa chất lượng cao.
Tiến sỹ Sử Thanh Long, Trưởng bộ môn Ngoại sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiệu quả sinh sản của đàn bò còn thấp. Ở các nước trên thế giới, trung bình mỗi năm, một con bò sinh được một lứa, cho ra 12.000 lít sữa. Trong khi đó, tại Việt Nam, trung bình 2 năm bò mới sinh bê, sản xuất chỉ được 4.000 lít sữa/năm. Hiệu quả sinh sản của bò thấp, khoảng cách giữa 2 lần sinh xa là do bò chậm động dục dẫn đến chậm thụ tinh, chửa đẻ. Những yếu tố này liên quan đến hoạt động buồng trứng của bò mà cụ thể là chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, u nang buồng trứng hoặc buồng trứng không hoạt động.
Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, điều trị các biến chứng buồng trứng cho bò, Tiến sỹ Sử Thanh Long khuyến cáo các dẫn tinh viên, nhân viên thú y và người chăn nuôi phải can thiệp, phối giống cho bò đúng thời điểm. Từ trước đến nay, bò thường được phối giống quá muộn. Người chăn nuôi phối giống vào khoảng 3 tháng sau khi bò đẻ với tâm lý chờ cho tử cung của bò hồi phục. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm bởi chu kỳ động dục của bò là trong vòng 35 ngày sau khi sinh, khi bò động dục phải phối giống ngay. Thời điểm này, tỷ lệ thụ thai rất thấp, nhưng cần phối giống để nhanh chóng lấy lại chu kỳ động dục cho bò, nâng cao tỷ lệ thụ thai ở những kỳ phối tiếp theo.
Để thay đổi toàn diện những quan điểm sai lầm trong chăn nuôi cũng như nâng cao chất lượng sinh sản, nâng cao chất lượng thịt, sữa của đàn bò Hà Nội, ông Sử Thanh Long khẳng định không còn con đường nào khác ngoài áp dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải tự trang bị những kiến thức đúng đắn về giống, đặc biệt phải phối giống bò đúng thời điểm mới có thể nâng cao năng suất sinh sản của đàn bò./.
Theo TTXVN
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)