Năm nay, mục tiêu đề ra cho xuất khẩu rau quả là 4,2 tỷ USD. 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đã đạt được một nửa mục tiêu này.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả tháng 6/2019 đạt 320 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2019, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,08 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, xuất khẩu rau quả 6 tháng qua đã cơ bản đạt được một nửa mục tiêu 4,2 tỷ USD của năm 2019.
 
Ấn tượng nhất trong xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay là xuất khẩu quả măng cụt. Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu ăm 2019, xuất khẩu măng cụt đạt 140,4 triệu USD, tăng tới 146,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là 1 trong những mặt hàng trái cây xuất khẩu chính đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm.
 
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho xuất khẩu măng cụt tăng trưởng mạnh là cuối tháng 4/2019, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho măng cụt Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ 9 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc (sau thanh long, vải, dưa hấu, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm).
 
Xuất khẩu xoài cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2018. Tháng 5/2019, xuất khẩu xoài tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (tăng 71,4%) và đạt 34,3 triệu USD. Tính ra, trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu xoài đạt 136 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018. Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho xuất khẩu xoài tăng mạnh trong tháng 5 là do xoài đã chính thức trở thành loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Bởi theo ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Vina T&T, Việt Nam mới bắt đầu xuất khẩu xoài sang Mỹ nhưng những tín hiệu từ thị trường này đã vượt quá mong đợi của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Trong thời gian tới, xuất khẩu xoài sẽ tiếp tục khả quan do đã được đón nhận ở thị trường Mỹ. Quan trọng hơn, việc xoài được xuất khẩu vào thị trường Mỹ là cơ hội để xoài của Việt Nam có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…
 
Một số loại trái cây khác cũng đạt mức tăng trưởng rất cao về xuất khẩu trong trong 5 tháng đầu năm, qua đó góp phần không nhỏ vào tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Cụ thể: vải đạt 7,75 triệu USD, tăng 328,7%; chuối đạt 85,6 triệu USD, tăng 93,1%; mít đạt 45,5 triệu USD, tăng 61,9%…
 
Trong khi đó, dù chỉ tăng trưởng nhẹ về giá trị xuất khẩu, nhưng thanh long vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu rau quả Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long đã đạt 554,256 triệu USD, tăng 3,7% so cùng kỳ 2018. Với giá trị xuất khẩu như trên, thanh long đang chiếm 40,2% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng quả và quả hạch.
 
Về các nhóm hàng xuất khẩu chính của mặt hàng rau quả, nhóm quả và quả hạch vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất khi đạt 1,379 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Tiếp đó là các sản phẩm rau quả chế biến khi đạt 233,882 triệu USD; nhóm rau củ đứng thứ 3 với 147,63 triệu USD; hoa đạt 18,423 triệu USD.
 
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của rau quả Việt Nam khi đạt 1,279 triệu USD trong 5 tháng đầu năm (tăng 2,98%) và chiếm 72,6% tổng giá trị rau quả xuất khẩu. Một điều đáng chú ý là trong tháng 5, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã sụt giảm mạnh so với tháng 4 (giảm 32,7%) và giảm 4% so với tháng 5/2018.
 
Nguyên nhân chính là do từ 1/5, hải quan Trung Quốc thực hiện một số quy định mới với rau quả nhập khẩu từ Việt Nam như: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái dưa hấu; yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc đối với mít; yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc) đối với chuối… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam do chậm thích ứng với những quy định mới, do đó đã ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.