Dự báo lượng nước tại các hồ chứa thủy điện thượng nguồn khu vực trung du, miền núi và đồng bằng Bắc bộ sẽ thiếu hụt khoảng 7 tỷ m3 nước so với trung bình nhiều năm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, do không được bổ sung đủ lượng phù sa, kèm theo hiện tượng khai thác quá mức, trung bình mỗi năm lòng dẫn sông Hồng bị thạ thấp khoảng 1m.
Cách đây 7 năm, khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lưu lượng 1.000m3/s thì mực nước tại cống Xuân Quan (công trình đầu mối lấy nước của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải) đạt 1,85m. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, hồ thủy điện Hòa Bình xả 3.000 m3/s (tức là gấp 3 lần), mực nước tại cống Xuân Quan chỉ đạt 1,65m. Và theo dự báo, đến năm 2021, nếu hồ Hòa Bình xả 6.000mm3/s, thì mực nước tại cống Xuân Quan vẫn chỉ đạt 1,65m.
Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần nghiên cứu giải pháp để lấy nước trong thời gian ngắn nhất. Trước mắt, cần vận động bà con cùng xuống giống, cùng đổ ải. Không thể để nơi thì cấy trước Tết, nơi thì cấy sau rằm tháng giêng. Bên cạnh đó, cần phải rà soát để lên phương án chuyển đổi trồng lúa sang cây trồng ngắn ngày, chịu hạn với diện tích phù hợp, trong điều kiện biến động nguồn nước.
Đợt 1 từ 0h ngày 20 - 23/1/2020 (mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt +1,6m); đợt 2 từ ngày 5 -12/2 (mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt +2,2m); đợt 3 từ ngày 19 - 24/2 (mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đạt + 1,4m).
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các địa phương đã thống nhất lịch xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện phục vụ cấp nước vụ đông xuân 2019 - 2020 các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc thành 3 đợt.
Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Tỉnh, các tỉnh ven biển gồm Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng sẽ tập trung lấy nước trong đợt 1. Các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… tập trung lấy nước đợt 2. Còn đợt 3 chủ yếu phục vụ một số địa phương có truyền thống gieo cấy muộn và khó khăn về nguồn nước; trữ nước phục vụ tưới dưỡng cây trồng.
Vụ đông xuân 2019 - 2020, các tỉnh, thành phố miền Bắc sẽ tập trung gieo cấy lúa từ ngày 3/2 - 5/3/2020; đối với cây rau màu, tập trung gieo trồng trong tháng 2 và đầu tháng 3/2020.
Ông Nguyễn Anh Tú – Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Hưng Yên, chia sẻ: Từ kinh nghiệm của tỉnh Hưng Yên cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng trong bối cảnh tài nguyên nước là rất quan trọng.
“Cách đây khoảng 10 năm, các trạm bơm Văn Giang, Văn Lâm phải bơm liên tục hàng tháng mới lấy đủ nước phục vụ gieo cấy. Nhưng bây giờ, 70% diện tích trồng lúa tại khu vực này đã chuyển sang cây trồng cạn giá trị cao hơn, qua đó giảm áp lực bơm nước và giảm lệ thuộc từ việc xả nước của các hồ thủy điện”, ông Tú nói.
Cũng theo Giám đốc Công TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên, để khắc phục tình trạng khó khăn về nguồn nước trong vài năm trở lại đây, ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành thủy lợi cũng chuẩn cơ sở vật chất từ rất sớm để bơm nước từ 5/1 (trước lịch xả nước tăng cường các hồ thủy điện thượng nguồn khoảng 20 – 30 ngày) để chủ động.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng triển khai lắp đặt các trạm bơm cấp 2 dọc các hệ thống sông, đầu tư xây dựng và vận hành hơn 20 trạm bơm cột nước thấp để tận dụng tối đa nguồn nước, không phụ thuộc vào mực nước dâng từ các hồ thủy điện.
Ông Lương Ngọc Chung – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi, cho biết, những năm gần đây, do mực nước sông Hồng hạ xuống thấp, việc lấy nước tự chảy từ sông Hồng qua cống Xuân Quan để cấp nguồn cho hệ thống Bắc Hưng Hải gặp khó khăn. Do đó, Bộ NN-PTNT cần xem xét đầu tư xây dựng mới trạm bơm điện Xuân Quan với công suất tối đa khoảng 85m3/s để bù đắp lượng nước thiếu hụt.
Ông Lưu Văn Khang – Chủ tịch Công ty TNHH MVT Khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống, chia sẻ: Những năm qua, nguồn nước trong hệ thống thủy nông Nam Đuống bị ô nhiễm nặng chủ yếu từ khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội) chảy ra trạm bơm Như Quỳnh (Hưng Yên). Thậm chí nhiều thời điểm nhân dân không lấy nước từ trạm bơm Như Quỳnh.
Do đó, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung cải tạo, nâng cấp các trạm bơm lớn trong phạm vi của tỉnh để đưa nước ra khu vực trạm bơm Như Quỳnh. Tuy nhiên, các tuyến kênh Giữa, kênh Trung, kênh Bắc và kênh C2 đang bị ô nhiễm nặng, không thể phục vụ tưới cho khu vực huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do vậy, ngay từ bây giờ, Hà Nội cần lên phương án để lấy nước từ hệ thống thủy lợi khác để đảm bảo nguồn nước an toàn.
Theo: nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)