Có lẽ chưa ở đâu làm lúa giống lại dễ như ở ĐBSCL. Nông dân tự làm lúa giống, cơ sở, doanh nghiệp làm lúa giống có mặt ở khắp mọi nơi. Thậm chí lấy lúa thịt (lúa hàng hóa) làm lúa giống.
Để né sự kiểm tra, dùng bao trắng đựng lúa giống, nông dân vẫn mua vô tư mua vì giá rẻ.
Dễ như... làm lúa giống
Hệ lụy của việc làm giống tràn lan, thiếu kiểm soát là lượng lúa giống gieo vãi dùng quá nhiều, phát sinh nhiều dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất. Chất lượng đầu vào kém thì tất nhiên đầu ra không thể tốt được. Và hệ lụy là chất lượng lúa gạo của vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp phần lớn lượng gạo xuất khẩu, mãi vẫn bán giá thấp, không thể nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nông dân ĐBSCL từ trước đến nay chủ yếu là quen với gieo sạ giống lúa thuần. Mà lúa thuần thì nông dân có thể dùng lúa của vụ trước để gieo sạ cho vụ sau. Giống tự làm nên nông dân cứ gieo sạ vô tội vạ, hình thành thói quen sạ lan, với lượng giống sử dụng rất nhiều, lên tới 200 - 250 kg/ha.
Hiện nay, do thâm canh nên mùa vụ rất sát nhau, nông dân ít người tự làm giống mà đi mua. Giống có phẩm cấp thì giá cao, mà gieo sạ dày thì rất tốn kém. Vì vậy, nông dân thường chọn các loại lúa giống rẻ tiền, miễn là nhìn đẹp mắt, có đóng bao bì là được. Đây chính là lý do khiến cho các loại lúa giống giả, giống nhái tràn lan tại ĐBSCL.
Các công ty, đơn vị làm ăn chân chính rất dễ nản chí, thấp chí mất thị phần khi giống vừa tung ra thị trường đã bị đánh cắp bản quyền một cách trắng trợn. Không ít giống lúa có chất lượng, được nông dân chấp nhận, như: OM 5451, OM 4900, RVT, Đài Thơm 8, ĐS 1… vừa đưa ra thị trường đã bị làm giả, làm nhái tràn lan, khiến đơn vị sở hữu thiệt đơn, thiệt kép.
Với mật độ gieo sạ trên 150kg lúa giống/ha như hiện nay, mỗi năm nông dân ĐBSCL cần từ 600 - 700 ngàn tấn lúa giống. Đây là thị trường đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp kinh doanh lúa giống. Tuy nhiên, với cách làm ăn chụp giựt, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng khiến nhiều công ty, trung tâm giống nản lòng, thậm chí thua lỗ.
Chấp nhận giống kém vì rẻ
Với thói quen, tập quán gieo sạ dày, nông dân không thể mua giống có phẩm cấp, chất lượng vì chi phí đầu tư quá cao. Lão nông Đỗ Văn H. ở xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang, đã 2 năm nay sản xuất giống lúa Đài Thơm 8, theo hợp đồng bao tiêu của một công ty.
Trên bao giống đơn vị cung cấp chỉ ghi vỏn vẹn mấy thông tin, tên giống lúa và kèm theo dòng chữ “lúa nguyên liệu”. Hoàn toàn không có tên đơn vị sản xuất, cung cấp.
Hỏi lý do mua lúa giống không có thương hiệu, ông H. bảo: “Gia đình tôi làm lúa mấy chục năm nay rồi, từng tự để giống gieo sạ cho vụ sau. Tuy nhiên, gần đây do thâm canh tăng vụ, thời gian gấp gáp nên không tự để giống nữa. Nhưng nếu mua giống có phẩm cấp, có bao bì thì giá cao, tốn kém quá.
Những đơn vị bán ngoài vầy giá rẻ hơn tới 3 - 4 ngàn đồng/kg, mà nhìn hạt giống cũng có vẻ sạch. Hơn nữa, mình mua họ có hợp đồng cung cấp giống, vật tư và thu mua lại sau khi thu hoạch”.
Ông Nguyễn Trường Đông, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay, làm giống bài bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì cạnh tranh thị trường rất quyết liệt. Ngán nhất là những đơn vị làm ăn gian dối, chụp giựt. Nếu giống mình tự nghiên cứu phải mất cả chục năm mới ra được. Còn giống của đơn vị khác nghiên cứu thì mình muốn kinh doanh phải có sự chia sẻ bản quyền, nhượng quyền.
Tuy nhiên, một số giống lúa mà nông dân có nhu cầu cao, tiêu thụ tốt như OM 5451, OM 18, đơn vị mua độc quyền họ không muốn chia sẻ nữa. Trong khi các đơn vị kinh doanh giống gian dối, chụp giựt, họ không đăng ký, bán với bao trắng thì không tốn những chi phí này.
Vì vậy, họ sẵn sàng bán rẻ hơn lúa giống có thương hiệu từ 3 - 5 ngàn đồng/kg, nông dân ham rẻ là họ mua, do bớt được chi phí trước mắt. Chưa kể sản xuất lúa giống đúng quy trình có chi phí cao, còn họ chỉ mua lúa thịt về làm sạch, đóng bao bán giá sẽ thấp hơn nữa.
Tại buổi lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy tại ĐBSCL, vừa được tổ chức tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, không nơi nào nông dân sử dụng lượng lúa giống gieo sạ nhiều như ĐBSCL hiện nay. Hiện vẫn còn sử dụng tới 150 - 200 kg/ha. Mà đã sử dụng nhiều như vậy thì không thể mua lúa giống có phẩm cấp được, vì chi phí cao.
Hơn nữa, gieo sạ quá dày cây lúa không có không gian phát triển, sinh trưởng, tạo ra môi trường tiểu khí ẩm, làm phát sinh dịch bệnh, làm tăng chi phí sản xuất. Quan trọng nhất là việc gieo sạ quá dày sẽ không thể sản xuất lúa chất lượng cao được, không thể nâng chất lượng hạt gạo lên, rất khó cho việc xây dựng thương hiệu, bán được giá cao.
Nhiều chiêu trò lách luật
Có cầu ắt có cung. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều đơn vị làm ăn bất chính đã len lỏi, mọc lên khắp nơi. Ông Lê Văn Đá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Kiên Giang cho biết, hiện tượng sản xuất, kinh doanh giống lúa kém chất lượng khá phổ biến. Thậm chí một số đơn vị còn lợi dụng mối liên kết làm cánh đồng lớn, họ tự làm hợp đồng với nông dân, thậm chí là thông qua các hội, đoàn của xã, cung cấp lúa giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm.
Điều đáng nói là chất lượng lúa giống của các đơn vị này rất kém, thậm chí là dùng lúa thịt làm sạch rồi đóng bao bán, không đủ phẩm cấp làm lúa giống. Để né sự kiểm tra, họ thường dùng bao trắng, ghi bên ngoài là lúa nguyên liệu, lúa để ăn kèm tên giống lúa để nông dân nhận biết. Đây là cách để đối phó với cơ quan chức năng. Vì có kiểm tra cũng không có căn cứ để xử phạt. Thậm chí là họ dùng chính bao bì của các công ty sản xuất giống đã bán ra, sau đó mua lúa cùng loại đóng vào rồi bán lại cho nông dân.
Bao lúa giống hiện nay gần như không có gì để đảm bảo chất lượng, vì chỉ có đóng bao may miệng là xong. Trong khi, máy may loại cầm tay bây giờ quá rẻ, rất dễ đầu tư. Để kiểm tra, đánh giá chất lượng lúa giống thì chỉ còn cách lấy mẫu đưa đi phân tích. Mà khi có kết quả thì đôi khi đại lý đã bán hết ra cho nông dân rồi.
Theo ông Đá, những năm qua, đơn vị đã nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại của nông dân về tình trạng mua phải giống lúa kém chất lượng, dẫn đến lúa bị phân tầng, bùng phát dịch bệnh, năng suất giảm, thậm chí mất mùa. Nhưng cái khó là hợp đồng nông dân ký với các công ty là hợp đồng dân sự, mà cũng không có điều khoản nào là cung cấp lúa giống mà chỉ là lúa nguyên liệu. Vì vậy, cũng không thể áp dụng chế tài xử lý, bảo vệ nông dân được.
Mặc dù có quá nhiều vi phạm, nhưng để xử phạt được một đơn vị vi phạm trong lĩnh vực giống cũng không đơn giản. Cụ thể, theo ông Đá, nếu thanh tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp mà phát hiện lúa giống đựng trong bao trắng ghi lúa nguyên liệu, lúa để ăn thì chỉ có thể nhắc nhở. Chưa kể khi phát hiện có thanh tra, họ đóng cửa cửa hàng, không kinh doanh thì đành về không chứ không thể đợi cả ngày được.
Theo: nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)