Để tránh trường hợp “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất.
Vụ đông luôn được xác định là vụ sản xuất chính trong năm ở đồng bằng sông Hồng. Bởi, vùng này có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa đông lạnh, rất phù hợp với một số loại rau củ truyền thống như khoai tây, su hào, bắp cải…
Giảm diện tích trồng
Sản xuất vụ đông luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây vụ đông trong những năm gần đây ở các tỉnh phía Bắc nói chung, khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng liên tục sụt giảm.
Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Liên kết sản xuất và tiêu thụ cây vụ đông vùng đồng bằng sông Hồng” vừa tổ chức ở Hà Nam, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, Bộ NN-PTNT luôn xác định vụ đông là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm. Song, diện tích cây vụ đông đang giảm theo từng năm.
Theo ông Tiêu, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích cây vụ đông giảm dần qua các năm, nhưng chủ yếu là do điều kiện sản xuất rất ngặt nghèo đối với phần lớn các loại cây trồng (khí hậu thời tiết thất thường, điều kiện thời vụ khắt khe).
Giá cả đầu vào sản xuất (giống, vật tư, phân bón, thuốc BVTV…) có nhiều biến động, giá vật tư đầu vào tăng, làm tăng giá thành sản xuất. Giá trị sản phẩm phần lớn cây trồng vụ đông không cao, vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Diện tích cây vụ đông chưa được quy hoạch tốt, ruộng sản xuất còn manh mún. Chưa hình thành những vùng sản xuất có quy mô lớn, quy hoạch bài bản, áp dụng cơ giới hóa… nên hiệu quả chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn với nông dân.
Bên cạnh đó, nguồn lao động ở nông thôn thiếu hụt trong các thời điểm sản xuất quan trọng (gieo trồng đầu vụ, thu hoạch cuối vụ; nhất là lực lượng lao động trẻ, có kiến thức và sức khỏe).
Các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm từng bước đã được tổ chức tại địa phương, nhưng chưa nhiều. Hầu hết là mô hình nhỏ lẻ, kênh tiêu thụ chủ yếu là tư thương, ít có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu nên từ đầu vụ các sản phẩm thường bị ép giá…
Đồng quan điểm với ông Tiêu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam cũng thừa nhận, diện tích cây vụ đông xu thế đang giảm dần theo từng năm với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông Hùng lấy dẫn chứng, tại Hà Nam, giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có trên 20.000ha vụ đông, chiếm 2/3 diện tích đất 2 lúa, cho năng suất và sản lượng rất cao. Song, bước sang giai đoạn 2015 - 2020, diện tích trồng cây vụ đông giảm mạnh, giảm gần 50%.
Kế hoạch sản xuất cây vụ đông năm 2019 - 2020 của tỉnh này là 11.052ha, tập trung vào các cây trồng truyền thống có diện tích lớn như ngô (1.495ha), bí xanh, bí đỏ (2.101ha), rau củ các loại (2.049ha)…
Nhưng trên thực tế, theo báo cáo của các Phòng NN-PTNT các huyện, thành phố đến ngày 13/11/2019 tổng diện tích cây màu vụ đông gieo trồng được 10.193ha (đạt 92,2%), không đạt kế hoạch đã đề ra.
Xóa bỏ “tư duy lối mòn”
Đồng bằng sông Hồng có diện tích sản xuất cây vụ đông lớn nhất miền Bắc. Trong đó, 11 tỉnh/ thành phố trong khu vực đều sản xuất các cây trồng vụ đông với diện tích lớn.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”, theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất. Không làm tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Không làm theo phong trào, làm không biết bán cho ai.
Các chuyên gia cho rằng, trước khi bước vào vụ sản xuất, phải chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, bằng cách liên kết với doanh nghiệp, hãy coi doanh nghiệp là người đỡ đầu.
Ngoài ra, phải sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường (VietGAP, GlobalGAP) hoặc theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đặt hàng. Có như vậy mới bán được sản phẩm.
Đại diện Cục Trồng trọt cho hay, hiện nay, nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, đem lại hiệu quả, kinh tế cao cho người nông dân. Điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất dưa gang gắn với bao tiêu sản phẩm giữa HTX An Vũ (tỉnh Thái Bình) với Cty TNHH Thương mại Nguyễn Đức Cường với quy mô 11 ha cho hiệu quả kinh tế hơn 80 triệu đồng/ha.
Mô hình trồng khoai tây (giống Marabel) quy mô 20ha ở Hà Nội đạt năng suất 18,2 tấn/ha, giá bán bình quân 8.000 - 10.000 đồng/kg, cho thu nhập 160 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng đậu tương đông…
Theo: nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)