Thạc sĩ Trần Lê Vinh, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang đã ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp đầu tư nhà màng để canh tác dưa lưới thành công.
Từ 1.000 m2 đất trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay thầy Vinh đã mở rộng diện tích canh tác dưa lưới lên 3.000 m2.
Tốt nghiệp chuyên ngành Trồng trọt rồi trở thành giảng viên Trường Đại học Tiền Giang từ năm 2006, hơn 13 gắn gó với nghề và dìu dắt, hướng dẫn nhiều thế hệ sinh viên thực hiện nhiều đề tài, khóa luận tốt nghiệp, thầy Vinh tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như được bổ sung vốn kiến thức thực tế rất hữu ích thông qua quá trình trải nghiệm này.
Nhận thấy thời gian gần đây, phong trào trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng, thầy Vinh quyết định thuê 1.000 m2 đất ruộng tại ấp Nam, xã Long Hưng (huyện Châu Thành, Tiền Giang) để trồng dưa lưới.
Tháng 8/2018, thầy Vinh bắt đầu canh tác lứa dưa lưới đầu tiên. Thầy cho biết, để canh tác dưa lưới đạt hiệu quả, cần đầu tư nhà màng đạt chuẩn kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng quy trình canh tác khoa học.
Theo tính toán của thầy Vinh, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 m2 đất trồng dưa lưới khoảng 300 triệu đồng (bao gồm tiền thuê đất, đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt). Các khoản chi thường xuyên và chi phí khác cho một vụ dưa lưới khoảng 75 triệu đồng, gồm khấu hao tài sản (20 triệu đồng/vụ); hạt giống, vật tư, phân bón; chi phí nhân công; điện và một số khoản chi khác.
Về kỹ thuật canh tác, sau 10 ngày ươm, cây giống được trồng lên mô đất có phủ nylon với mật độ 2.500-2.700 cây/1.000 m2, sử dụng hệ thống nhỏ giọt để tưới nước kết hợp bón phân mỗi ngày (phân được pha vào nước tưới như trồng thủy canh). Sau 28 ngày, tiến hành thụ phấn cho dưa, mỗi nách lá (có 1 chèo ngọn) chỉ để lại 1 nụ sau khi đậu trái.
Về sâu bệnh, cây dưa lưới thường bị một số bệnh như: Phấn trắng trên lá, thối dây, nhũn dây, nứt thân, chảy nhựa, héo xanh… Đối với bệnh phấn trắng, sử dụng thuốc đặc trị để phun xịt. Một số bệnh còn lại, nhất là bệnh hại dây, bệnh thối trái, theo kinh nghiệm của thầy Vinh, nếu thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng (dọn rác, rải vôi, phun thuốc sát trùng…) vào đầu vụ kết hợp dùng keo dính để bẫy sâu bọ, côn trùng; đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời thì có thể giảm thiểu thiệt hại.
Để làm tốt công tác này, thầy Vinh thuê 2 lao động thường xuyên kiểm tra, theo dõi sâu bệnh, tưới phân, tỉa chèo, quấn dây, tỉa lá chân (cách mặt đất từ 70-80 cm để tạo sự thông thoáng), tỉa trái (mỗi nách lá chỉ để 1 trái)…
Theo thầy Vinh, thời gian từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch dưa lưới khoảng 65-70 ngày. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác nên tỷ lệ trái dưa lưới đạt loại 1 (trên 1,2 kg/trái) chiếm trên 80%. Vụ đầu tiên thu hoạch được 3 tấn trái, bán với giá 27-35 ngàn đồng/kg (dưa loại 1 và loại 2 chênh lệch 7-10 ngàn đồng/kg). Sau khi trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng.
Sau khi canh tác thành công liên tiếp 3 vụ dưa lưới trên thửa đất thuê đầu tiên, thầy Vinh tiếp tục thuê thêm 2.000 m2 (chia 2 thửa) để mở rộng diện tích trồng. Hiện tại, nhà màng thứ hai chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên và nhà màng thứ ba đang được triển khai thi công.
Tin liên quan: