Trong những năm gần đây, nhờ đưa cây táo lai vào sản xuất mà đời sống của nhân dân trong xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được cải thiện đáng kể. Cây táo lai không chỉ góp phần tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ dân ở nơi đây.
 
Qua lời giới thiệu của cán bộ khuyến nông xã Phì Điền, chúng tôi đến thăm quan vườn táo lai của gia đình ông Lê Văn Thắng, ở thôn Phì. Tiếp chúng tôi ngay trên vườn táo sai trĩu quả đang trong độ thu hoạch, ông Thắng nhanh tay hái những quả táo chín vàng ươm mời chúng tôi ăn thử, rồi tâm sự: “Các anh thấy không giống táo đào vàng này ăn cùi rất chắc lại có vị thơm ngon đặc biệt. Vì thế nó được nhiều người ưu chuộng. Với vườn táo rộng hơn 8 sào này, năm nay gia đình tôi phải thu được trên 8 tấn quả. Không cần phải mang đi tiêu thụ, người ta vào tận vườn đặt mua với giá hiện tại là 11 nghìn đồng/kg, cả vườn táo thấp cũng đạt 80 triệu đồng/năm”.
 
Là người năng động trong sản xuất, ông Thắng luôn mạnh dạn đi đầu trong việc đưa những cây trồng mới vào sản xuất thử nghiệm ở thôn. Đầu năm 2007, gia đình ông quyết định chặt bỏ hơn 1 sào cây hồng nhân hậu để đưa 40 cành giống táo đào vàng của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội vào trồng thử. Năm đầu, mỗi cây đã cho thu hoạch trung bình 30 kg quả, ông bán được giá xấp xỉ 12 nghìn đồng/kg. Thấy đây là giống cây khá phù hợp với đồng đất của địa phương, chăm sóc lại dễ và cho hiệu quả kinh tế cao nên đầu năm 2008, ông quyết định đốn hết hàng trăm cây hồng nhân hậu làm củi đun rồi triển khai trồng được hơn 8 sào táo lai, trong đó có 5 sào táo đào vàng và hơn 3 sào táo lai lê (hay còn gọi là táo xuân). Để tận dụng diện tích khi cây táo còn bé, ông Thắng đã trồng xen giống bí xanh và đu đủ Đài Loan. Nhờ được chăm sóc tốt nên hai loại cây này cũng mang về cho gia đình ông được gần 25 triệu đồng/năm. Khi thu hoạch xong đu đủ và bí thì cây táo cũng xoè tán rộng, kết quả vụ này gia đình ông đã “trúng” lớn.
 
Nói về kỹ thuật trồng và chăm sóc táo lai, ông Thắng cho biết: “Gia đình tôi trồng hàng cách hàng 4m, cây cách cây 2,5m. Giữa các hàng đào một rãnh sâu khoảng 20cm, rộng khoảng 40cm để chứa nước. Ngoài chế độ chăm sóc phân bón và phun thuốc trừ sâu kịp thời thì điều quan trọng nhất trong khâu chăm sóc là từ khi táo đậu quả đến khi thu hoạch ngày nào cũng phải tưới nước để giữ độ ẩm cho đất, nhờ thế quả táo mới to, chín mọng”. Cũng với cách chăm sóc như vậy, vườn táo lai lê 2 năm tuổi, rộng 2 sào của gia đình anh Lê Văn Tâm ở cùng thôn năm nay cũng cho sản lượng trên 2 tấn quả. Tuy giống táo này bán được giá thấp hơn so với táo đào vàng nhưng cũng đạt 9–10 nghìn đồng/kg. Tính ra vườn táo của gia đình anh năm nay cũng thu về khoảng 20 triệu đồng. Anh Tâm cho biết, táo là loại cây lớn rất nhanh, trồng đầu năm thì đến cuối năm đã cho thu hoạch. Giống mua ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng rất rẻ chỉ 5 nghìn đồng/cành. Tuy nhiên đây là cây ưa nước vì thế chỉ nên trồng ở những nơi chủ động được nước tưới thì hiệu quả mới cao.
 
Bên cạnh mô hình trồng táo lai, anh Tâm còn là người đi đầu trong xã Phì Điền về việc đưa giống cam đường Canh vào sản xuất. Với 4 sào cam Canh hai năm trở lại đây năm nào gia đình anh cũng thu về được từ 18 – 26 triệu đồng.
 
Ngoài hai hộ gia đình ông Thắng và anh Tâm, giờ đây ở xã Phì Điền đã có hàng trăm hộ dân đưa giống táo lai (chủ yếu là táo đào vàng và táo lai lê) vào sản xuất. Theo số liệu thống kê của cán bộ khuyến nông xã, hiện nay toàn xã đã có 3 ha táo lai cho thu hoạch. Giá bán trung bình hiện nay từ 8–11 nghìn đồng/kg với 1ha táo người dân thu về khoảng 270 triệu đồng. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, cây táo lai thực sự đã và đang trở thành cây làm giàu cho người dân Phì Điển./.
 
Đức Thọ