HTX xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) là một trong những mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt theo quy trình VietGAP của dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” (FAPQDC) do Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế Canada (CIDA) tài trợ. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được Bộ NN-PTNT giao làm đơn vị chủ quản.
Ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, hoạt động của HTX xoài cát Hòa Lộc chủ yếu là xây dựng vùng nguyên liệu với trên 62 ha xoài. Cái khó hiện nay của HTX là vốn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hiện nay chỉ có 1 doanh nghiệp liên kết với HTX nhưng tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, quy trình chế biến chưa chú ý đến VSATTP…
Tuy nhiên, ông Hóa khẳng định từ khi tham gia vào mô hình thí điểm của Dự án, việc sản xuất xoài của HTX đã có nhiều khởi sắc. Dự án giúp bà con nhà vườn áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt theo các tài liệu kỹ thuật. Mô hình sản xuất theo một chu trình khép kín, được kiểm soát chặt chẽ các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho nông sản.
Ông Phạm Văn Lộc, xã viên HTX xoài cát Hòa Lộc cho biết: “Chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn của dự án, cụ thể là sử dụng nước sạch để tưới cây, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, đúng liều lượng, đúng cách. Qua đó bà con nhận thức tốt hơn về môi trường, sức khỏe; đồng thời giảm được chi phí đầu vào, đầu ra ổn định, giá cao hơn. Theo định kỳ, cán bộ Sở NN-PTNT lấy mẫu kiểm tra một số chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Đồng thời xem xét việc tuân thủ ghi chép của bà con trong quá trình sản xuất. Kết quả kiểm tra cho thấy, các chỉ tiêu phân tích đều đạt yêu cầu theo quy định. Bên cạnh đó, bà con đã tuân thủ và có thói quen trong việc ghi chép thông tin sổ tay”.
Cũng theo ông Lộc, hiện HTX xoài cát Hòa Lộc đã xây dựng được nhà sơ chế đóng gói xoài trước khi xuất ra thị trường. Xoài sau khi thu hoạch sẽ được xử lý qua một số thiết bị chuyên dụng như bồn rửa trái cây, bồn xử lý nhiệt, bàn phơi trái, kho ủ khí etylen, kho mát... Nhờ đó mà xoài Hòa Lộc giữ nguyên chất lượng và tăng thời gian bảo quản khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc cho biết thêm: “Dự án còn hỗ trợ thêm các thiết bị công nghệ sau thu hoạch là thiết bị về rửa trái, thiết bị phơi trái. Ngoài ra dự án còn giúp HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, giới thiệu cho những khách hàng trong và ngoài nước. Cụ thể năm vừa qua HTX đã tiêu thụ được 70 tấn hàng xoài cát Hòa Lộc sang Nhật Bản”.
Ông Gilbert Parents - Cố vấn trưởng dự án FAPQDC cho rằng, HTX xoài cát Hòa Lộc của Tiền Giang là vùng sản xuất cơ bản tập trung, có hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng mô hình sản xuất khép kín theo quy trình từ trang trại đến bàn ăn. Các xã viên, HTX và chính quyền địa phương đã quyết tâm cao trong việc thực hiện Dự án.
“Với mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, chúng tôi đã tập trung đào tạo, tập huấn cho nông dân khâu sản xuất, sơ chế và đóng gói; giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo theo các quy chuẩn kỹ thuật. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, tỉnh Tiền Giang sẽ phát triển nhiều vùng sản xuất trái cây tập trung, quy mô lớn khu vực ĐBSCL. Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn XK, phát triển bền vững trong thời gian tới. Mô hình này cần được nhân rộng trên toàn quốc, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản VN trên thị trường nội địa và quốc tế” - ông Gilbert Parents nhận xét.
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tin liên quan: