Vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã thể hiện ưu thế như mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi. Vì vậy, nhiều nông dân chú trọng duy trì, mở rộng diện tích chăm sóc theo quy trình này trong vụ vải năm nay để tăng thu nhập.
Tuân thủ kỹ thuật
Vụ vải thiều năm 2014 là lần thứ 6 liên tiếp, gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) chăm sóc vải theo quy trình VietGAP. Theo đó, ngay sau khi thu quả xong, ông khoanh vỏ, tỉa cành, bón phân cân đối cho cây hồi phục nhanh. Giai đoạn vải chuẩn bị ra hoa, ông phun thuốc kích thích sinh trưởng để cành hoa dài, mập.
Đặc biệt, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh hại vải. Nhờ làm chủ kỹ thuật nên năm ngoái trong khi nhiều vườn vải thiều ra hoa thấp, thậm chí có hộ mất trắng thì vườn vải của ông Bình vẫn đơm hoa, kết trái với tỷ lệ hơn 80%. Năm 2013, với 1 ha vải VietGAP cho 15 tấn quả, giá bán bình quân 28-29 nghìn đồng/kg, cao hơn vải thông thường 9-10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 200 triệu đồng.
Ông Bình cho biết: "Sản xuất vải theo quy trình VietGAP phải tỉ mỉ, cẩn thận ở tất cả công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch. Tài liệu hướng dẫn là vậy nhưng người làm vườn phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của nhà mình như tuổi cây, chất đất… để chăm sóc phù hợp”. Không chỉ gia đình ông Bình, hầu hết các hộ ở xã Hồng Giang đều chú trọng trồng và chăm sóc vải VietGAP. Đến nay, toàn xã có gần 500/700 ha vải thiều VietGAP, thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Mong muốn có thu nhập cao từ trồng vải, hàng trăm hộ dân xã Đông Hưng (Lục Nam) cũng tích cực tham gia Dự án nâng cao chất lượng nông lâm sản và Chương trình khí sinh học (QSEAP) để được hướng dẫn chăm sóc vải theo quy trình VietGAP. Lần đầu triển khai biện pháp canh tác mới với diện tích 200 ha nên công tác tập huấn, chuyển giao được xã chú trọng.
Ông Phạm Hải Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hưng nói: "Xã có gần 600 ha vải thiều nhưng năng suất không ổn định, năm được năm mất do trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế. Quả vải thường xấu mã, khó bán. Đôi khi rẻ quá, tiền bán chẳng bù được chi phí thuê người hái nên một số hộ còn không thu hoạch. Tham gia vào dự án, các hộ được hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật, đã vận dụng vào vườn vải của gia đình mình, biết phun thuốc trừ sâu, bệnh vào thời điểm thích hợp”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, cán bộ phụ trách dự án QSEAP (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, cùng với việc tập huấn, đơn vị thường xuyên giám sát quá trình chăm sóc của người dân. Dự kiến, trước thời điểm thu hoạch quả đơn vị sẽ thẩm định, đánh giá cấp chứng nhận vải VietGAP đối với một số hộ làm tốt trong xã, đồng thời quảng bá giới thiệu sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lục Ngạn kiểm tra sâu bệnh trên vải thiều tại xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn). Ảnh: Đức Thọ.
Quản lý chặt chẽ chứng nhận
Theo ông Đặng Văn Tặng, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm nay nhiều nhà vườn tích cực duy trì và mở rộng diện tích vải VietGAP. Toàn tỉnh hiện có hơn 9 nghìn ha vải thiều VietGAP, tăng 1.500 ha so với năm 2013, tập trung ở Lục Ngạn, Tân Yên. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn 8.500 ha, tăng 1 nghìn ha so với năm ngoái. Hai huyện Yên Thế và Lục Nam lần đầu tiên sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 300 ha. Để sản xuất đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và PTNT, đơn vị chuyên môn các huyện đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân.
Thời điểm này, vải thiều chính vụ đang nở hoa, thụ phấn; vải sớm đang ra quả non. Tỷ lệ vải ra hoa bình quân đạt hơn 90%, tăng 25% so với năm ngoái do thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, theo Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện trên vải đã xuất hiện một số sâu bệnh như bệnh sương mai, thán thư… Thời tiết mưa phùn, ẩm ướt như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục gia tăng, gây hại.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là sâu đục cuống quả. Loại sâu này sau khi nở chúng đục vào gân lá ở thời kỳ phát triển và vào hạt ở giai đoạn quả nhỏ, ăn hết phần cơm hạt; khi quả đã có cùi, sâu non đục vào cùi chủ yếu ăn phần thịt xung quanh cuống quả, ảnh hưởng lớn đến mẫu mã, chất lượng vải. Do đó, nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình, phát hiện và phòng trừ kịp thời. Đi đôi với biện pháp trên, cơ quan chức năng cũng như các hộ dân cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng chứng nhận vải thiều VietGAP, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để trà trộn vải không đạt tiêu chuẩn.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, đến năm 2015 toàn huyện phấn đấu có 10 nghìn ha vải VietGAP. Hiện nay, huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn hoàn tất các thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 5 nước là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc, Campuchia.
Trịnh Lan
Tin liên quan: