Một gia đình đầm ấm với ba người con chăm ngoan, học giỏi, sự yêu mến, tin cậy của bà con lối xóm, một ngôi nhà đẹp đầy đủ tiện nghi giữa vườn cây trái xanh tươi. Đó là gia tài của cựu chiến binh Dương Phương Sáu, thôn Tân Sỏi, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang). 
Quyết tâm của người lính
 
Cựu chiến binh Dương Phương Sáu trẻ hơn tuổi 51 khá nhiều. Vẻ chân chất, mộc mạc và sự cẩn trọng của người lính còn đậm đặc nơi anh, và trong câu chuyện với khách. Anh vốn là lính của Trung đoàn 473, Sư đoàn 413, Binh đoàn 12 đóng quân tại tỉnh Lạng Sơn những năm 1981 - 1985. Trong quân ngũ, người lính trẻ luôn hăng say, nhiệt tình đóng góp sáng kiến vào bảo trì, sửa chữa khí tài, máy móc của đơn vị. 
 
Tháng 5-1985, anh xuất ngũ trở về địa phương và xin vào làm công nhân của Xí nghiệp Chế biến Nông lâm sản Yên Thế. Tại đây, anh nên duyên với chị Doãn Thị Lựa. Hai vợ chồng trẻ chưa vui được bao lâu thì Xí nghiệp giải thể, anh đầu quân sang Nông trường chè Yên Thế cùng vợ. Năm 1991, Nông trường cũng giải thể, hai vợ chồng tay trắng về nghỉ theo chế độ 176, cùng nhau bế con trai đầu lòng đến mảnh đất mà Nông trường chia tạm tại thôn Tân Sỏi. Đêm mưa, nằm trong căn nhà lá nghe tiếng nước chảy, cả hai nung nấu quyết tâm phải gây dựng kinh tế từ 2,6 ha đất đồi bãi. Vợ chồng anh dồn sức chăm bẵm những mầm giống, hom cây. 
 
Anh chị được đền đáp khi những mùa khoai sắn bội thu liên tiếp, lạc đỗ chất đầy sân. Khi đã tích cóp được một món tiền, anh về Thanh Hà (Hải Dương) mua giống vải thiều về trồng. Ban đầu, với 70 cành cây giống, sau khi trồng một thời gian cây bị chết rút hàng loạt, anh lại cất công về Hải Dương và lên huyện Lục Ngạn học tập kinh nghiệm. Đến năm 1996 thì khu vườn phát triển ổn định. Trước nhu cầu của bà con xung quanh, anh chiết cành bán giống vải với giá từ  7 - 12 nghìn đồng/cành. Như vậy là sau mấy năm, ở vùng Tân Sỏi này, nhiều gia đình cũng trồng vải như anh. 
 
Ngồi trong ngôi nhà khang trang, anh tâm sự: “Lúc đó chỉ nghĩ, đời lính gian khổ là vậy mà mình còn vượt qua, không lẽ gì mình lại chịu thua cái đói, cái nghèo. Đời mình đã có những năm đói khổ, nhưng đời con mình phải thay đổi. Cứ nghĩ vậy là lao động quần quật không kể ngày đêm”…
 
Gặt hái thành công
 
Mồ hôi vợ chồng anh đổ xuống đã cho biết bao mùa cây trái đơm hoa, kết quả. Ngoài vải thiều, anh trồng xen nhãn lồng và bưởi. Những cây nhãn giống mới trồng được vài năm đã cho hàng tạ quả to, thơm ngon. Những cây bưởi Quế Dương sai quả, chất lượng hơn hẳn những giống bưởi khác cũng đã được anh trồng thành bãi. Với nguồn nước tưới lấy từ sông Sỏi, anh chủ động được việc chăm sóc khu vườn. Bây giờ các loại cây ăn quả đã khép tán, anh không trồng rau màu dưới tán cây mà tập trung chăm sóc theo quy trình cách khoa học để có được những mùa thu hái tốt nhất. 
 
Thấy tôi băn khoăn khi bây giờ quá nhiều nơi trồng vải thì liệu đầu ra cho vải sẽ ra sao, anh Sáu cho hay: “Vườn chia thành nhiều khu, có vải sớm, vải muộn, có những cây ăn quả khác, vải sớm mà chăm sóc tốt, chất lượng quả ngon bán đầu mùa lại rất được giá, thương lái đến tận vườn đặt hàng. Vải muộn mà quả đẹp hàng đầu thì cũng tiêu thụ dễ dàng”. Như vậy, đủ thấy rằng, trồng cây gì là một lẽ, nhưng trồng như thế nào, chăm bón ra sao để có  năng suất cao, bán được là lại là chuyện quan trọng hơn nhiều. Hôm tôi đến thăm vườn, chứng kiến vợ chồng anh đang vạc cỏ, xới đất. 
Chị Lựa, vợ anh chia sẻ: “Muốn cây cho quả ngọt thì mình phải phơi lưng làm thôi em ạ, không để ý là cây cối bị sâu bệnh ngay”. Anh Sáu là người chịu học từ bạn bè, từ sách vở. Anh cất công đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Nhiều năm trở lại đây, trang trại của gia đình anh cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm, trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. 
 
Không những giỏi làm ăn, anh Sáu còn giỏi trong việc gắn kết mọi người trong tổ chức cựu chiến binh. Trong Chi hội Cựu chiến binh thôn Tân Sỏi, phần nhiều là các cán bộ quân đội nghỉ hưu, những người lính lớp đàn anh đã tín nhiệm, yêu quý anh, bầu anh làm Chi hội trưởng, gánh vác công việc của tổ chức. 
 
Nếu gia đình nào làm ăn gặp phải khúc mắc, con cháu hội viên đi lao động bất hợp pháp hoặc có biểu hiện đua đòi đều được các cựu chiến binh động viên, nhắc nhở, tìm cách giúp đỡ. Là tấm gương sáng trong cộng đồng, anh đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cựu chiến binh có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2005 - 2008. Gia đình anh được trao tặng danh hiệu “Gia đình kiểu mẫu” năm 2000, ba người con chăm ngoan đang theo học phổ thông, cao đẳng và đại học.
 
Mai Phương (http://baobacgiang.com.vn)