Những năm qua, nhờ trồng gấc gia đình nhà anh Đào Văn Minh, thôn Ao Dẻ, xã Hương Lạc (Lạng Giang) có nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống.
Với hơn 1 sào ruộng chân vàn cao, trước đây gia đình anh Minh chuyên cấy lúa nhưng năng suất thấp do thường xuyên thiếu nước. Qua đọc sách báo, xem truyền hình và đến thăm một số mô hình trồng trọt chăn nuôi tổng hợp trong tỉnh, anh Minh thấy cây gấc cho lợi nhuận khá nên đã mua hạt giống về trồng. Năm 2012, anh trồng 1 sào gấc, 10 tháng sau, ruộng gấc cho thu hoạch về 4 tạ quả, bán với giá 9 nghìn đồng/ kg, gia đình anh thu lãi gần 3 triệu đồng. Bước đầu thấy hiệu quả từ loại cây trồng này, đồng thời nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc…anh đã tự nhân giống và dần mở rộng diện tích. Đến nay gia đình anh đã có 2 sào gấc đang cho quả sai trĩu.
 
Cũng theo anh Minh, vốn đầu tư ban đầu cho trồng gấc không đáng kể (1 sào gấc chi phí vụ đầu khoảng từ 7 - 9 trăm nghìn đồng). Bình thường thì có thể làm giàn thô sơ với cột tre và dây cuốn tận dụng từ dây cáp điện thoại, tiền công ban đầu chỉ là 5 trăm nghìn đồng/sào, còn nếu làm kiên cố, vĩnh cửu như đổ cột bê tông, làm đường ống nước, sử dụng dây thép quấn vòm thì chi phí mất khoảng 2.5 đến 3 triệu đồng/sào. Qua tính toán gia đình anh đã làm giàn kết hợp giữa phương pháp thô sơ và kiên cố để tiết kiệm chi phí mà lại giữ được giá trị bền vững bằng cách dùng cọc tre già và căng dây thép. Tuy nhiên, đây chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, khi cây gấc đã sinh trưởng thì sẽ cho quả trong 30 năm và mỗi năm chỉ cần bón phân là đủ.
 
Thông thường, một vụ gấc sẽ bắt đầu vào mùa xuân và đến mùa đông thì thu hoạch. Gia đình anh trồng vào khoảng từ tháng 1-2 dương lịch, sau trồng từ 9 tháng đến 1 năm sẽ được thu hoạch. Cây trồng này dễ trồng, không kén đất, có khả năng thích ứng tốt trên nhiều loại đất. Song theo kinh nghiệm bản thân và qua học hỏi kinh nghiệm thì để gấc có năng suất cao nhất (3,8- 4,5 tạ/ sào) phải thường xuyên cắt tỉa chồi phụ để cây tập trung nuôi những ngọn chính, sau khi thu hoạch quả dùng dao cắt cây, để lại đoạn gốc 40-60 cm, đồng thời bón phân chuồng ủ hoại mục.
 
Hiện nay quả gấc không chỉ là thứ gia vị sử dụng vào việc nấu xôi, chế biến bánh kẹo. Gấc đã được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc với thành phần vitamin…Vì vậy cây trồng này ngày càng có giá trị đặc biệt và được tiêu thụ thuận lợi.
 
Năm nay, ruộng gấc nhà anh Minh lại sai trĩu quả, ước cho thu khoảng gần 1 tấn. Còn khoảng 2 tháng nữa mới đến vụ, nhưng nhiều lái buôn trong vùng đã đến đặt mua gấc của gia đình anh. Anh cũng cho biết “nếu thuận lợi về đầu ra như vậy, sang năm gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư làm kinh tế từ gấc”./.
 
Hoàng Thoa