Na dai Lục Nam được nhiều người biết tới với vị thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp. Đây cũng là sản phẩm được công nhận thương hiệu hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Đột phá từ rải vụ
 
 
 
Được xem là một trong những vựa na chính của huyện Lục Nam, từ lâu người dân xã Huyền Sơn đã gắn bó với cây na, coi đây là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hiệu quả. Điều mà người trồng na nơi đây băn khoăn nhất là loại quả này chín tập trung, thu hoạch chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng.
 
 
 
Ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất na dai Lục Nam giãi bày: “Na chín rất nhanh, nếu không thu hoạch ngay sẽ hỏng. Cả xã Huyền Sơn có hơn 100 ha, mỗi vụ cho khoảng 1.000 tấn quả. Cũng vì thu hoạch tập trung nên trước đây vào mùa na xảy ra cảnh ép cân, ép giá khiến bà con rất thiệt thòi”.
 
 
 
Từ thực tế trên, ông Quang và những người yêu mến gắn bó với cây na ở đây đã mày mò, tìm hiểu và học được kỹ thuật cắt tỉa, thụ phấn, lai tạo để rải vụ cho na. Theo kinh nghiệm, vào trung tuần tháng 11, bà con đốn toàn bộ cành cao, chỉ để ở mức khoảng 1,5 - 1,8 m, đồng thời cắt bớt cành cho thoáng.
 
 
 
Nhờ đó, na chống chịu được mưa gió, quả không bị giập nát do va chạm trên cao; không tốn chất dinh dưỡng để nuôi cành vô hiệu; quả ra tập trung trên thân và cành cấp một; dễ thụ phấn và thu hoạch hơn. Ngoài ra, để cây có lực ra mầm, ra hoa sớm và quả đẹp, bà con còn chăm bón, phục hồi sau khi thu hoạch với lượng phân bón thích hợp, áp dụng một số kỹ thuật khác để tăng tỷ lệ đậu, nuôi quả và phòng chống các loại sâu bệnh như sáp sên, bọ nhảy, muội đen, sâu đục quả, bệnh vàng lá... Các kỹ thuật trên giờ đây đã được những người trồng na Lục Nam thực hiện thuần thục.
 
 
 
Nếu như trước đây, cây na cho thu hoạch tập trung trong khoảng gần một tháng thì hiện nay đã kéo dài tới 4 tháng. Thời điểm này, khi mà một số cây mới được người dân thụ phấn thì đã có không ít diện tích na sắp cho thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn phấn khởi: “Nhờ áp dụng biện pháp rải vụ nên gần đây đầu ra tương đối ổn định”. 
Để thương hiệu vươn xa
 
 
 
Từ hiệu quả kinh tế mà cây na đem lại cho người dân địa phương, những năm gần đây, huyện Lục Nam đã tích cực vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhân rộng diện tích na trên đất vườn, đồi phù hợp. Hiện toàn huyện có hơn 1.700 ha na, sản lượng ước đạt hơn 12 nghìn tấn quả, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, cây na được trồng chủ yếu ở các xã Huyền Sơn, Đông Phú và Nghĩa Phương.
 
 
 
Na dai Lục Nam ngon, quả to, đều, giữ được mẫu mã lâu hơn các loại na ở nơi khác nên  được các thương lái của nhiều tỉnh, TP như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lào Cai... đến thu mua tiêu thụ. Sau thời gian khẳng định chất lượng và chỗ đứng trên thị trường, với sự vào cuộc tích cực của người dân, chính quyền địa phương và ngành chức năng, thương hiệu na dai Lục Nam đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
 
 
 
Ông Tăng Văn Luật, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Lục Nam cho biết: “Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng các biện pháp rải vụ nên thời gian na chín kéo dài, các chủ vườn không chịu nhiều sức ép trong khâu tiêu thụ. Cùng đó, thị trường tiêu thụ quả na tương đối thuận lợi.
 
 
 
Tuy nhiên, để giữ vững được thương hiệu na dai Lục Nam, chúng tôi khuyến cáo bà con duy trì tốt phương pháp trồng, chăm sóc na an toàn, bảo đảm chất lượng”. Cùng với việc mở rộng diện tích trên những chân đất phù hợp, đơn vị tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thương hiệu na dai Lục Nam vươn xa hơn nữa và được người tiêu dùng ở nhiều vùng, miền biết đến./.
 
 
 
Ngọc Hân http://baobacgiang.com.vn/