Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là vụ thu hoạch vải thiều chính vụ của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ diễn ra. Thời điểm này, nông dân trong huyện đang tập trung chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP, Global GAP nhằm sản xuất ra quả vải sạch, an toàn, có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại thăm trang trại trồng vải thiều của gia đình anh Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu), thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn. Với diện tích vườn vải rộng hơn 2 ha, từ nhiều năm nay, gia đình anh Hành không chỉ là hộ sản xuất vải thiều VietGAP hiệu quả, mà anh còn nghiên cứu, thực hiện thành công biện pháp cho quả vải thiều ra quả trong thân cây nên chất lượng quả vải thơm ngon hơn, cho giá trị kinh tế cao hơn.
Giải pháp khoa học kỹ thuật này đã giúp anh Hành đoạt được các giải cao trong cuộc thi Sáng tạo khoa học nhà nông cấp tỉnh và cấp Trung ương. Cũng nhờ áp dụng hiệu quả quy trình chăm sóc vải thiều VietGAP cùng biện pháp cho quả vải thiều ra quả trong thân cây nên vụ vải thiều năm 2015, vườn vải nhà anh Hành được mùa, với sản lượng đạt 35 tấn vải thiều tươi, trong đó 20 tấn đầu vụ anh bán được giá bình quân 25 nghìn đồng/kg, thu về nửa tỷ đồng, còn lại 15 tấn sau được giá 12 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên vườn vải thiều của gia đình anh Hành được cơ quan chức năng cấp mã vùng với diện tích 1,5 ha sản xuất vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP. Từng là hộ có kinh nghiệm sản xuất vải thiều VietGAP nổi tiếng nên việc áp dụng quy trình sản xuất mới đối với Global GAP đối với nhà anh Hành không quá khó khăn. Hiện nay, gia đình anh đang áp dụng các quy trình chăm sóc như bón phân, tưới nước, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm sản xuất ra quả vải sạch, an toàn, có chất lượng tốt nhất, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Tâm sự với chúng tôi, anh Hành cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết En-ni-nô nên vải thiều đậu quả ít hơn và thời gian quả vải chín cũng muộn hơn năm trước. Với vườn vải nhà tôi năm nay chỉ cho sản lượng khoảng 15 tấn (giảm 20 tấn so với vụ 2016). Hiện, gia đình tôi đang áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm sản xuất ra quả vải cho chất lượng tốt nhất, đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu.
Gần đó, gia đình ông Trương Văn Báo, thôn Chão Mới cũng đang tập trung chăm sóc vườn vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP. Khi chúng tôi đến thăm, vườn vải lai Thanh Hà rộng 1 mẫu của gia đình ông Báo quả sai trĩu cành, quả đang trong quá trình làm cùi, chỉ khoảng 10 ngày nữa là được thu hoạch.
Ông Báo cho biết, ngay từ đầu vụ năm 2016, khi được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang phối hợp với cán bộ khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn quy trình chăm sóc vải thiều xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP, gia đình ông đã rất phấn khởi áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc. Trong đó, tập trung các khâu như tỉa cành, tưới nước, bón phân, và đặc biệt là không sử dụng 4 loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Mỹ cấm.
Trao đổi với chúng tôi, chị Vi Thị Minh, cán bộ khuyến nông xã Giáp Sơn cho biết thêm: Vụ này xã Giáp Sơn có 760 ha vải thiều cho thu hoạch, trong đó có 117 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 50 ha vải thiều được cấp mã vùng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Diện tích vải thiều Global GAP được cấp mã vùng ở 120 hộ thuộc hai thôn Chão Cũ và Chão Mới. Giáp Sơn là xã có thâm niên sản xuất vải thiều VietGAP hiệu quả từ nhiều năm qua, nhưng đây là vụ đầu tiên được nhà nước quy hoạch cấp mã vùng và tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất vải thiều xuất khẩu theo quy trình Global GAP.
Hiện các hộ dân đang phấn khởi, tích cực chăm sóc vải thiều theo đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu bón phân, tưới nước và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật - không sử dụng 4 loại thuốc có hoạt chất trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật Mỹ cấm. Ước tính sản lượng vải thiều xuất khẩu của xã năm nay đạt khoảng 450 tấn quả tươi.
Theo ông Chu Văn Báo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm 2016, diện tích vải thiều Lục Ngạn có 16.293 ha; trong đó có 1.750 ha giống vải chín sớm (chiếm khoảng 10,8% diện tích), diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 10.500 ha và diện tích vải thiều được Mỹ cấp mã số vùng trồng IRADS là 158,04 ha đảm bảo điều kiện xuất khẩu vải thiều sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu….
Vụ vải năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên tổng sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay ước đạt 70.000 tấn, giảm 50.000 tấn so với vụ năm 2015; trong đó, vải chín sớm ước đạt 8.400 tấn; vải chính vụ ước đạt 61.600 tấn (riêng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 42.000-45.000 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng). Hiện giống vải chín sớm của huyện đã bắt đầu được thu hoạch. Các cơ quan chuyên môn ở địa phương đang tập trung các điều kiện nhằm tạo điều kiện cho nhân thu hoạch và tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Đức Thọ (Theo báo BGĐT)
Tin liên quan: