Những ngày cuối tháng Sáu, vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn (Bắc Giang) chín rộ, người trồng vải đang khẩn trương thu hoạch, vận chuyển tới các điểm thu mua. Giá vải bình quân cao hơn so với năm trước và biến động theo giờ.
Lên xuống theo giờ
Tại phố Kim (xã Phượng Sơn), ngã ba xã Hồng Giang, thị trấn Chũ… những ngày này nhuộm sắc đỏ của vải thiều chín. Trên các tuyến đường chính có hàng trăm điểm thương nhân lựa chọn làm “mỏ” cân. Từ sáng sớm đến trưa, người, xe nườm nượp chở vải thiều đổ về các điểm thu mua, đâu đâu cũng tiếng gọi mời, ngã giá. Khu vực xã Phượng Sơn, Hồng Giang và thị trấn Chũ (Lục Ngạn) đã xảy ra ách tắc giao thông cục bộ.
Theo chị Nguyễn Thị Luyến, chủ một điểm cân vải thiều tại phố Kim (xã Phượng Sơn), năm nay, vải thiều được mua với giá từ 16 - 30 nghìn đồng/kg, những ngày đầu vụ có giá 35 nghìn đồng/kg. Giá có lúc cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Trong ngày, giá vải thiều biến động theo giờ.
Ông Trịnh Quang Tốn, thôn Phượng Khanh (xã Phượng Sơn) cho biết, từ đầu vụ đến nay, gia đình đã bán 5 tấn vải với giá từ 18- 26 nghìn đồng/kg, cao hơn 20% so với năm trước. Tuy nhiên, mỗi ngày ông chở 4 chuyến vải thiều đi bán thì mỗi chuyến một giá khác nhau. Thông thường, bán vào sáng sớm có giá tốt nhất bởi lúc này đường thoáng, chưa có đông người bán. Còn đến trưa và chiều giá vải thiều thấp hơn, có lúc giảm từ 3- 8 nghìn đồng/kg so với sáng sớm. Nguyên nhân là do thời điểm gần trưa và chiều là lúc các điểm cân đã “no”, bắt đầu chuyển sang đóng gói để vận chuyển đi tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Hoài, chủ một điểm cân ở phố Kim (xã Phượng Sơn) cho biết: “Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 50 tấn là đầy 3 xe chạy vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Cứ đến 10 giờ là đóng hàng, lúc này có vải đẹp cũng không thể trả giá cao, thậm chí không mua thêm vì xe đã đầy hàng”.
Tắc đường cũng là nguyên nhân khiến giá vải thiều thay đổi theo giờ. Bởi khi tắc đường, người bán vải rất khó có thể mang vải di chuyển chọn điểm cân phù hợp. Cũng vì thế, thương nhân có trả giá thấp hơn từ 2- 3 nghìn đồng/kg so với giá chung thì vẫn phải chấp nhận.
Anh Hoàng Văn Minh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) tâm sự: “Vải đã hái, bó để chuẩn bị đi bán từ rất sớm, nếu tắc đường vài tiếng đồng hồ thì chất lượng, mẫu mã sẽ giảm kéo theo không được giá. Nhà nhiều vải không thể bán một chuyến trong ngày là hết. Nhiều hôm biết bị ép giá nhưng vẫn phải bán”.
Tình trạng vải thiều mỗi giờ một giá còn tùy thuộc vào sự thông thoáng của giao thông diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn huyện. Trao đổi với ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, để hạn chế tình trạng này, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều và chỉ đạo các đơn vị liên quan như: Công an, Đoàn Thanh niên, lực lượng trật tự đô thị… thường xuyên có mặt tại các điểm hay ùn tắc cục bộ để phân luồng, hướng dẫn giao thông tránh để ùn tắc. Đồng thời, khuyến cáo người dân nên sản xuất vải thiều theo hướng VietGAP, GlobalGAP và liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để có đầu ra ổn định, không phụ thuộc vào thời gian thu mua trong ngày của thương nhân.
Vải thiều đến Australia trong ngày
Theo thông tin từ Sở Công thương, năm nay thị trường xuất khẩu vải thiều tươi mở rộng hơn so với năm trước. Bên cạnh những thị trường đã được khai thác từ vụ trước như: Mỹ, Australia, Pháp, Malaysia, năm nay các DN trong nước đã tiếp cận được một số thị trường mới như: Ba Lan, Trung Đông. Đồng thời, để rút ngắn thời gian xuất khẩu quả vải thiều tươi, các DN xuất khẩu đã chủ động liên kết với DN, HTX trên địa bàn huyện Lục Ngạn thu mua, lựa chọn vải thiều thông qua các biên bản ghi nhớ, hợp đồng trách nhiệm.
Việc chiếu xạ vải thiều trước khi xuất khẩu sang một số thị trường "khó tính" là Mỹ, Australia cũng thuận lợi hơn. Ngày 20-6, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức được cơ quan chức năng Australia công nhận được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu. Đây là tin vui với các DN xuất khẩu vải thiều vào thị trường này bởi trước đây muốn xuất khẩu được, các DN phải vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bằng đường hàng không để chiếu xạ khiến giá thành “đội” lên khá cao.
Ông Vũ Đào, Giám đốc Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm (Hà Nội) cho biết: “Khi chiếu xạ tại Hà Nội, mỗi cân vải thiều giảm được khoảng 0,5 USD giá thành. Do đó đây là điều kiện tốt để DN đẩy mạnh xuất khẩu, giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh tại thị trường Australia. Bên cạnh đó, chiếu xạ tại Hà Nội sẽ giúp đơn vị giảm được thời gian sơ chế, vận chuyển. Giờ đây chỉ trong 24 tiếng kể từ khi có hàng ở Lục Ngạn, chúng tôi có thể hoàn tất các thủ tục sơ chế, chiếu xạ và xuất khẩu sang Australia”.
Tuy nhiên, phía Australia cũng yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với vải thiều được chiếu xạ mà các DN cần lưu ý như: Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện bảo đảm vệ sinh; các cơ sở đóng gói vải phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiểm tra, cấp mã số. Bao bì đóng gói bảo đảm hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6 mm. Thậm chí, phía Australia còn quy định rõ, thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý để phục vụ việc truy nguyên nguồn gốc.
Riêng về khâu sản xuất, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo xã viên và người dân sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP chú ý đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng hướng dẫn. Tránh sử dụng các loại thuốc đã bị cơ quan chức năng Australia cảnh báo, không để hàng bị quay đầu”. Từ đầu vụ đến nay, HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang đã phối hợp với các DN xuất khẩu gần 6 tấn vải thiều tươi sang thị trường Australia.
Việt Anh (Theo báo BGĐT)
Tin liên quan: