Trong những năm gần đây, người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đưa cây nhãn vào sản xuất tập trung. Nhãn là giống cây mang lại giá trị kinh tế cao, giá cả ổn định, dễ trồng và chăm sóc.
 
  Vào những ngày giữa tháng 7, tới thăm vườn nhãn của gia đình ông Đặng Quốc Tuấn thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên (Bắc Giang) là một trong những hộ trồng nhãn sớm nhất ở địa phương. Ông Tuấn cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng nhãn từ những năm 1992, tới sau 6 năm thì cây bắt đầu cho quả và từ đó tới nay năm nào gia đình cũng được mùa, cây cho sai quả, chất lượng quả ngon, mã đẹp. Để có được kết quả đó ông đã không ngừng tìm hiểu, mày mò tích lũy kinh nghiệm, không dừng lại ở đó ông còn lên tận Hưng Yên, Hà Tây để mua giống và học hỏi kinh nghiệm ở đây. Ông chia sẻ: “Trước khi trồng nhãn gia đình tôi có trồng cây hồng nhân hậu, cây na dai nhưng đều không hiệu quả, giá cả bấp bênh sau đó tôi chuyển sang trồng nhãn xen canh với lạc, thấy được giá trị và tiềm năng phát triển của cây nhãn tôi quyết định mở rộng tăng quy mô trồng nhãn, nhờ cần cù, chịu khó, tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nhãn ở nhiều địa phương khác mà vườn nhãn gia đình tôi luôn cho sai quả, so với nhãn Hưng Yên thì chất lượng ngang ngửa thậm chí mã quả còn nhỉnh hơn”. Hiện tại gia đình ông Tuấn có tổng diện tích trồng nhãn lên tới 6 sào với 130 - 150 gốc nhãn, hằng năm cho thu hoạch khoảng từ 4 - 5 tấn với giá bán trung bình là 24 - 25 nghìn đồng/kg, mỗi năm cho gia đình ông thu khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ là hộ nông dân giỏi trồng và chăm sóc nhãn, ông còn bán giống nhãn của mình cho người dân địa phương, truyền đạt kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây nhãn vì vậy vườn nhãn của gia đình luôn có người tới thăm, mua giống và học hỏi kinh nghiệm.
Trao đổi với cán bộ khuyến nông xã Hợp Đức, anh Nguyễn Đức Thảo cho biết thêm: “Diện tích trồng nhãn của xã vào khoảng 27 - 28ha, trong đó có 10ha được thu hoạch. Diện tích trồng nhãn tăng dần qua từng năm, đặc biệt có nhiều hộ dân trồng với diện tích lớn từ 1 - 2ha, hằng năm xã có tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, nhắc lịch phun thuốc, cách chăm sóc cho nhãn qua đài phát thanh. Ngoài ra, để tạo thuận tiện cho tư thương vào thu mua nhãn của bà con, chính quyền cùng người dân đã tu sửa, làm mới đường giao thông trong thôn để thuận tiện cho việc vận chuyển, đi lại.
 
Theo số liệu của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên, năm 2015 diện tích trồng nhãn của cả huyện ước tính khoảng 249ha trong đó có 191ha cho quả, sản lượng đạt khoảng 550 tấn với giá giao động từ 20-25 nghìn đồng/kg, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 10 – 13 tỷ đồng. 2016 diện tích trồng nhãn vào khoảng 309ha tăng 60ha so với năm 2015, tuy nhiên sản lượng ước đạt khoảng 500 tấn giảm đôi chút so với năm 2015, nguyên nhân sản lượng nhãn giảm do thời tiết năm nay nắng mưa thất thường, đặc biệt là trải qua hai đợt nắng gắt vừa qua làm cho nhãn non bị cháy, rụng quả nhiều, cây không đậu quả…
 
    Xác định nhãn là cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, huyện Tân Yên đã có chính sách nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hộ nông dân cải tạo, trồng mới mở rộng diện tích trồng nhãn. Đồng thời cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kĩ thuật trồng và chăm sóc nhãn đạt hiệu quả cao, huyện cũng hỗ trợ vốn cho những hộ dân cải tạo và trồng mới vườn nhãn với diện tích 0,5ha trở lên./.
 
                                                                                    Hồng Quân