Tân Yên là huyện trung du, với địa hình đa dạng. Theo thống kê hiện toàn huyện có 2.800 ha cây ăn quả, và là một trong 4 huyện có diện tích cây ăn quả lớn nhất tỉnh. Trong những năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa được cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Hiện nay, một số cây ăn quả đã và đang phát triển, có thế mạnh và từng bước hình thành vùng trồng tập trung như vùng vải sớm, nhãn muộn, vú sữa đồng thời nhiều mô hình trồng bưởi diễn, ổi cho thu nhập cao. Với diện tích 2.800 ha, sản lượng 12.512 tấn, giá trị thu được từ cây ăn quả hàng năm ước đạt 170 tỷ đồng trong đó vải sớm khoảng 90 tỷ.
 
Cách đây 15 năm, ông Dương Đức Thịnh, thôn Yên, xã Cao Xá vào tỉnh Bình Thuận làm vườn, chăm sóc cây thanh long cho gia đình người họ hàng. Nắm bắt được kỹ thuật và kinh nghiệm, cuối năm 2013, ông về quê đầu tư phát quang vườn bãi, đổ trụ bê tông để trồng 250 gốc thanh long ruột đỏ. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nên sau 2 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch. Thanh long phù hợp với đất đồi bãi, chịu hạn tốt, tuy nhiên theo ông Thịnh không nên vun đất ngập gốc để tránh thối rễ. Từ tháng tư đến nay, vườn thanh long cho thu 50 triệu đồng. Hết vụ, gia đình ông sẽ thu thêm 10-15 triệu đồng nữa”. Để đa dạng cây ăn quả, ông đang chuyển thêm 1 ha trồng bạch đàn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng bưởi Diễn và thanh long.
 
Ngoài một số cây trồng đang là thế mạnh như vải thiều, cam, nhãn muộn, vú sữa thì ổi Đài Loan, ổi lai lê cũng được nhân dân trong vùng đưa vào trồng thử nghiệm. Gia đình ông Nguyễn Văn Bẩm, thôn Tân Lập, xã Cao Thượng trước đây chủ yếu là chăn nuôi, tuy nhiên, thường xuyên xảy ra dịch bệnh. Qua tìm hiểu ông được biết, giống ổi lai lê cho năng suất chất lượng tốt, đầu ra thuận lợi nên ông cùng gia đình mạnh dạn trồng thử nghiệm 25 gốc ổi.  Đến nay, vườn ổi của gia đình ông lúc nào cũng xanh tốt, ít sâu bệnh. Mỗi quả có thể nặng 300-400g. Mỗi năm, 22 cây ổi của gia đình chị cho hơn 1 tấn quả, thu nhập gần 30 triệu đồng. Ổi ở vùng đất Tân Yên cho năng suất tương đối cao, quả to đều, nhẵn nhụi, cùi dày, ít hạt, vị ngọt, thơm ngon và giòn. 
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thu Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn còn chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả toàn huyện phải đạt trên 3.500 ha. Hiện nay, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, hợp tác xã sản xuất có quy mô từ 0,5 ha trở lên nằm trong vùng phát triển cây ăn quả tập trung của huyện. Theo đó mức hỗ trợ lớn nhất là 12 triệu cho đối tượng trồng nhãn, vú sữa có quy mô từ 1ha trở lên đồng thời hỗ trợ chi phí cho cơ sở làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGap. Việc hỗ trợ chính sách sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2020. Huyện sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức khâu kết nối “4 nhà” tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, sớm xây dựng nhãn hiệu với sản phẩm cây ăn quả đã thành vùng sản xuất lớn./.
 
Thanh Thanh