Được học nghề, có nguồn tiêu thụ lâu dài, nhiều phụ nữ vùng Tây Bắc đã làm giàu nhờ trồng rau an toàn trái mùa.
“Cầm tay chỉ việc”
Bà Lã Thị Liễu, thành viên Hợp tác xã (HTX) Dì Thàng (xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai) cho biết: Trước đây bà con ở đây trồng rau vất vả lắm, vì sản xuất manh mún, trồng được bao nhiêu mang ra chợ bán bấy nhiêu. Nhờ có sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), bà con huyện Bắc Hà đã được dạy nghề trồng rau an toàn.
Khi có nghề, các chị đã thành lập nhóm giúp đỡ lẫn nhau về sản xuất, tiêu thụ. Bà Liễu cho biết, lúc đầu nhóm của bà chỉ có 4 người, sau khi thành lập HTX đã tăng lên 43 thành viên. “Cán bộ dạy cẩn thận lắm, đầu tiên giúp bà con hình dung khái niệm trồng rau an toàn, rồi quy trình trồng ra sao, làm nhà lưới thế nào, có hiệu quả gì” – bà Liễu nói.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng sau khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, không phải ai cũng làm được, làm tốt. Bà Liễu cho biết, nhiều người không tuân thủ được quy trình sản xuất khoa học nên đã phải bỏ dở giữa chừng.
TS Phạm Thị Sến-Chủ nhiệm dự án “Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc Việt Nam” cho biết: Giai đoạn đầu triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi có dự án, rất ít bà con nông dân được tham gia tập huấn về rau, họ chưa biết về quy trình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP.
Khó khăn nhất là việc giúp bà con hiểu và thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Ngoài việc gieo trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế, đóng gói, vận chuyển rau đúng kỹ thuật, quy trình này còn yêu cầu nông dân phải ghi chép đầy đủ nhật ký để có thể truy xuất nguồn gốc rau khi bán ra thị trường, trong khi nông dân không có thói quen ghi chép, nên họ không thích và gặp khó khăn nhiều trong việc ghi nhật ký sản xuất. Dự án đã tổ chức tập huấn và cử cán bộ làm việc toàn thời gian để hướng dẫn từng nông hộ thực hiện đúng các yêu cầu sản xuất rau an toàn.
Hiệu quả tăng 2-3 lần
Sự thành công của các mô hình HTX cho thấy, nếu được hỗ trợ, tập huấn thì chị em phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ những mô hình sản xuất “chuẩn khoa học”. Bà Lương Thị Nhuần (43 tuổi) cho biết, từ ngày tham gia HTX Dì Thàng, bà học thêm được nhiều kỹ thuật canh tác mới với kỹ thuật bón phân, lựa chọn giống, gieo giống, biết cách trồng trọt năng suất cao. “Trước khi được dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, gia đình tôi chỉ trồng vài khóm rau, tự mang ra chợ bán. Từ ngày có HTX thu mua, tôi yên tâm mở rộng sản xuất lên 5.000m2. Sản phẩm làm ra tới đâu, bán hết tới đó, không lo bị ế. Giá cả đắt gấp đôi so với trước đó, nếu trước đó một năm gia đình chị chỉ thu được 17-18 triệu thì nay đã thu được 35-37 triệu đồng/năm” – bà Nhuần khoe.
Đặc biệt, kể từ khi được hướng dẫn trồng rau bằng nhà lưới, bà Nhuần cùng nhiều hộ gia đình khác đã mạnh dạn đầu tư trồng rau trái vụ. Đa phần là những loại rau trái vụ được thị trường ưa chuộng như cà chua, súp lơ,… vừa dễ tiêu thụ mà giá thành lại cao. Nhờ mô hình sản xuất khoa học ấy mà nhiều gia đình đã thu được quả ngọt trái mùa, thu nhập tăng cao gấp đôi.
Ví dụ, bà con ở Mộc Châu trồng cà chua bán tại chợ chỉ 3.000-4.000 đồng/kg nhưng nếu bán trong siêu thị phải được 10.000- 12.000 đồng/kg. Ngoài chuyện giá sản phẩm tăng, nông dân còn được hưởng lợi từ việc thâm canh tăng vụ. Thường thì vụ rau rất ngắn, hết lứa này nông dân có thể trồng ngay lứa khác. Ví dụ lợi nhuận 1ha lúa/năm được 10 triệu đồng, nhưng làm rau có thể được 70 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nếu bà con trồng rau trái vụ thu nhập có thể lên tới 150 triệu đồng/ha/năm, thậm chí là 300 triệu đồng/ha/năm.
Theo danviet.vn
Tin liên quan: