Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm vải thiều, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn được biết đến là địa phương có diện tích nhãn, cam, bưởi, táo… khá lớn. Mùa nào thức ấy, cây ăn quả đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây.
Vườn cam của gia đình anh Đường Văn Cần, thôn Giáp Hạ, xã Thanh Hải.
 
Mùa nối mùa
 
Những ngày cuối tháng Mười, chúng tôi về huyện Lục Ngạn khi mùa thu hoạch bưởi da xanh kéo dài hơn một tháng vừa kết thúc. Thời điểm này cũng là lúc người dân bước vào thu hoạch cam Vinh. Tới một số xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện như: Hồng Giang, Thanh Hải, Tân Quang… chúng tôi thấy không ít xe tải mang biển tỉnh ngoài về “ăn hàng”. Đặc biệt, ở đâu cũng thấy người dân nói về năng suất, giá cả cam, bưởi năm nay… 
 
Gia đình anh Đường Văn Cần, thôn Giáp Hạ, xã Thanh Hải là một trong những hộ có diện tích cây ăn quả lớn gồm cam Vinh, cam Đường Canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh. Năm nay là năm thứ hai anh được thu hoạch diện tích cây có múi này. Anh Cần nói: “Vườn cam Vinh của nhà tôi năm nay ước được khoảng 5 tấn quả, tư thương đặt mua với giá hơn 20 nghìn đồng/kg. Sau khi thu hoạch xong cam Vinh sẽ thu đến cam Canh, bưởi Diễn…” Huyện Lục Ngạn có điều kiện thuận lợi trong phát triển cây ăn quả đó là đất đai phì nhiêu và nằm trong tiểu vùng khí hậu đặc thù, nông dân lại năng động, có kinh nghiệm trong sản xuất. Nhằm khai thác lợi thế này, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã có sự quan tâm đặc biệt tới việc rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân đưa một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hằng năm, huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn trồng cây ăn quả, đặc biệt là sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. 
 
Với diện tích cây ăn quả hiện có, người dân Lục Ngạn được thu hoạch sản phẩm gần như quanh năm. Sau mùa vải thiều đến mùa nhãn rồi cam, bưởi, táo...
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp, UBND huyện dành 500-700 triệu đồng/năm hỗ trợ 30% giá giống cây ăn quả cho nông dân. Nhờ đó đến nay, huyện có gần 26,7 nghìn ha diện tích cây ăn quả các loại. Trong đó, vải thiều gần 16,3 nghìn ha (10,5 nghìn ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP); các loại cây như: Cam, bưởi, nhãn, táo hơn 3,4 nghìn ha và một số loại cây ăn quả khác. Năm 2016, sản lượng vải thiều của huyện đạt gần 92 nghìn tấn, giảm hơn 26 nghìn tấn so với năm trước nhưng giá trị tăng; sản lượng cây có múi ước đạt hơn 28,7 nghìn tấn, tăng gần 13 nghìn tấn so với năm 2015. Tính toán cho thấy giá trị sản xuất từ cây ăn quả đạt gần 2,4 nghìn tỷ đồng. 
 
Tiếp tục nâng cao giá trị cây ăn quả
 
Có thể khẳng định, việc nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều và đa dạng cây ăn quả trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nguồn thu lớn cho nông dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả ở đây còn những yếu tố thiếu bền vững. Trước hết là việc trồng cây ăn quả còn mang nặng tính tự phát. Do lợi nhuận lớn nên diện tích tăng nhanh, ở nhiều xã, người dân tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang trồng cam, bưởi...
 
Điểm thu mua cam ở xã Thanh Hải.
 
Tiếp đến là đầu ra cho sản phẩm chưa thực sự ổn định. Nhiều năm nay, chính quyền các cấp, ngành chức năng phải chung tay trong việc tiêu thụ vải thiều cho nông dân. Năm 2015, người trồng cam Canh huyện Lục Ngạn thất thu không nhỏ bởi giá chỉ bằng khoảng một nửa so với năm trước. Bên cạnh đó là việc ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất hạn chế; công tác quản lý, sản xuất giống cây trồng nhiều bất cập…
 
Xuất phát từ thực tế đó, UBND huyện Lục Ngạn xác định nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tập trung phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với quy mô đủ lớn; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Theo đó, huyện sẽ trồng mới hơn 1 nghìn ha cây ăn quả các loại, đưa tổng diện tích cây ăn quả đến năm 2021 là 27,7 nghìn ha, sản lượng đạt 195 nghìn tấn; sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất sang các thị trường khó tính; một số cây ăn quả khác cũng từng bước được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 
 
Đi đôi với các biện pháp trên, huyện chú trọng đổi mới mô hình sản xuất theo hướng các xã trọng điểm cây ăn quả sẽ thành lập ít nhất 1 HTX, tổ hợp tác để hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Mới đây, huyện đã mời 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và Công ty Agricare vào liên kết sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm cây ăn quả cho nông dân Lục Ngạn, đồng thời tiếp tục quan tâm thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực này”. Ngoài ra, huyện cũng sẽ nâng cấp hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, nhất là đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tiêu thoát nước; ứng dụng công nghiệp cao vào sản xuất; xây dựng mô hình trồng thí điểm một số cây ăn quả mới để thay thế khi cần thiết... 
 
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự năng động, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân, tin rằng Lục Ngạn sẽ sớm trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
 
Theo BGĐT