Khi tiết trời se lạnh cũng là lúc vào mùa thu hoạch hạt dẻ. Nhiều năm nay, hạt dẻ khu vực Tứ Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã nức tiếng gần xa. Tuy không to như dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) song hạt dẻ ở đây lại có vị thơm, bùi nên được nhiều người ưa thích.
Dẫn chúng tôi đi thăm rừng dẻ, ông Trần Thế Mỹ, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh kể: “Chẳng biết từ bao giờ, cây dẻ đã gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây. Cây dẻ cứ thế lớn lên, sinh sôi trên những cánh rừng cằn cỗi. Hằng năm, vào cữ cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, những hạt dẻ đầu tiên lác đác rụng, báo hiệu mùa hạt dẻ về”.
Vào mùa thu hoạch, người dân khu vực Tứ Sơn thường dậy từ tờ mờ đất đến khi mặt trời xuống núi để nhặt hạt dẻ. Vào chính vụ, người già, trẻ em những buổi không phải đến trường cũng được huy động lên rừng nhặt dẻ phụ giúp bố mẹ. Ông Mỹ cho biết, nhiều năm nay, hạt dẻ thu hoạch đến đâu được tư thương thu mua hết đến đó nên người dân không phải mang ra chợ bán như trước. Mỗi năm, gia đình ông thu được khoảng 10 triệu đồng từ bán hạt dẻ.
Gọi là hạt dẻ Tứ Sơn nhưng hiện rừng dẻ khu vực này tập trung chủ yếu ở 5 xã: Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh, Huyền Sơn và Nghĩa Phương. Hạt phó Hạt Kiểm lâm Lục Nam Nguyễn Văn Duy cho biết, khu vực này có 1.120 ha dẻ. Diện tích trên đã bàn giao cho 484 hộ quản lý, bảo vệ, khai thác.
Dù không mang lại hiệu quả cao như trồng rừng kinh tế song diện tích dẻ ở đây cũng tạo nguồn thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống người dân. Anh Nguyễn Thế Thuận, thôn Quỳnh Sảnh, xã Nghĩa Phương tâm sự: “Dù mức giao khoán quản lý, bảo vệ rừng còn thấp nhưng với người dân địa phương, cây dẻ đã gắn bó từ xa xưa nên chúng tôi xác định bảo vệ rừng dẻ là trách nhiệm của mình”.
Hạt dẻ rừng Tứ Sơn là một trong những nông sản đặc trưng, thế mạnh của huyện Lục Nam. Chính vì thế thời gian qua, UBND huyện đã xác định nhiệm vụ quan trọng là giữ gìn những cánh rừng dẻ ở khu vực này, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn tất thủ tục đề nghị và đã được ngành chức năng công nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm hạt dẻ Lục Nam. Năm 2016, ngoài nguồn ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ thêm 100 nghìn đồng/ha cho các hộ nhận bảo vệ rừng dẻ.
Với đặc thù dẻ mọc tự nhiên không được chăm sóc nên càng lâu năm sản lượng càng giảm. Khắc phục vấn đề này, huyện đã triển khai dự án áp dụng các biện pháp lâm sinh nâng cao chất lượng rừng dẻ. Theo anh Nguyễn Trọng Thư, Trạm Kiểm lâm Ao Vè (Hạt Kiểm lâm Lục Nam), thực hiện dự án trên, cán bộ đơn vị và cơ quan chuyên môn đã phối hợp với các hộ tham gia phát dọn thực bì, cắt tỉa cành và bón phân cho cây. Đến nay, dự án đã hoàn thành nghiệm thu, cây dẻ sinh trưởng, phát triển tốt.
BGĐT
Tin liên quan: