Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều vườn vải thiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chỉ có lộc, dự kiến sản lượng đạt thấp. Để bù đắp lại một phần thiệt hại, cơ quan chuyên môn, người làm vườn đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng giá trị nông sản.
Chăm sóc tốt diện tích vải ra quả
 
Gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, thôn Kép 1, xã Hồng Giang là hộ có vườn vải đẹp nhất xã năm nay với tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt gần 100%. Thời điểm này, cây nào cây ấy quả sai chi chít, đậu thành từng chùm đều khắp tán, đối lập với vườn vải của nhiều hộ khác trong thôn. Dẫn khách thăm vườn, anh Quyên chia sẻ, gần 20 năm trồng vải nhưng chưa năm nào gia đình anh bị mất mùa. Năm ngoái, với hơn một ha cho 20 tấn quả, anh thu về gần 600 triệu đồng. 
 
Ngày 27-5 diễn ra hội nghị XTTM tại TP Bắc Giang. Ngày 8-6, tổ chức  hội nghị XTTM tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại TP Hà Nội sẽ khai mạc vào ngày 16-6.
 
Nguồn: Kế hoạch tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều năm 2017.
 
Dự kiến sản lượng năm nay tương đương năm ngoái song giá trị nhiều khả năng sẽ tăng hơn. Để vườn vải ra hoa, đậu quả sai, anh Quyên có bí quyết riêng. Đó là 15 ngày sau thu hoạch quả mới tỉa cành. Anh cho biết: “Nhiều hộ vừa hái quả xong đã cắt tỉa ngay khiến cây bị suy kiệt dinh dưỡng vì lượng kali ở đầu cành chưa kịp chuyển hóa vào thân đã bị loại bỏ”. Cùng đó, anh Quyên sử dụng phân bón lá và chỉ dùng phân hữu cơ chăm sóc vải. Mỗi đợt lộc ra, anh theo dõi sát sao để phòng trừ kịp thời một số loại sâu bệnh, nhất là bệnh sương mai. 
 
Tuy không nhiều quả như năm ngoái song vườn vải hơn một ha của hộ ông Lưu Văn Tư, thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn có tỷ lệ ra hoa, đậu quả hơn 60%. Ông Tư cho biết: “Được thế này cũng là may rồi, dù sao vẫn hơn những vườn mất trắng. Thu nhập của cả nhà chỉ trông vào làm vườn nên tôi dồn sức chăm sóc vải để vớt vát được chút vốn”.  Hiện nay, căn cứ vào tình hình thời tiết, ông thường xuyên bám vườn, cung cấp nước tưới; ghi nhật ký chăm sóc để bảo đảm đủ dinh dưỡng giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. 
 
Được biết, anh Quyên, ông Tư là hai trong nhiều hộ có tỷ lệ vải ra quả đạt cao thuộc vùng được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp mã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc… Thực tế cho thấy, những hộ tham gia sản xuất vải xuất khẩu đều có kinh nghiệm nên tỷ lệ vườn vải có quả đạt khoảng 50%, cao hơn bình quân chung của huyện hơn 10%. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn, năm nay sản lượng vải toàn huyện sẽ giảm mạnh. Do đó, Phòng khuyến cáo bà con chăm sóc tốt diện tích vải ra quả; đồng thời thường xuyên cử cán bộ đến tận vườn cùng bà con quan sát đặc điểm của cây, có biện pháp xử lý kỹ thuật phù hợp, giúp quả to, đều, mã đẹp. Đơn cử như tỉa thưa bớt một số cành quá dày quả, bổ sung kali, phân bón qua lá khi cây có bộ lá màu xanh nhạt.
 
Xúc tiến thương mại tăng giá trị sản phẩm
 
Đồng hành cùng bà con, cơ quan chuyên môn của tỉnh đang tập trung thực hiện một số giải pháp. Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức tập huấn quy trình sản xuất vải an toàn cho người dân. Trong đó, chú trọng khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Không dùng thuốc có chứa một số hoạt chất như: Ipprodione; Difennoconazole; Carbendazim.
 
Dù không được mùa như năm trước nhưng công tác xúc tiến thương mại (XTTM) vẫn phải coi trọng. Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái nhấn mạnh, sản lượng càng ít càng phải xúc tiến, tìm kiếm thị trường cho người dân để tăng giá trị. Vải thiều có đặc trưng là chín đồng loạt, thu hoạch tập trung chứ không rải vụ như một số cây trồng khác. Hơn nữa, sản phẩm này không phải như cơm gạo nên người tiêu dùng không sử dụng vải có thể dùng loại quả khác thay thế. Do đó, trước mắt, cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn bà con chăm sóc, nâng cao chất lượng quả vải. Đồng thời đẩy mạnh XTTM, tăng giá bán, lợi nhuận cho nhà vườn với mục tiêu không để mất mùa, mất giá. 
 
Thực hiện chỉ đạo này, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức các hội nghị XTTM vải thiều năm 2017. Điểm mới là không tổ chức hội nghị kết nối ở các tỉnh phía Nam mà tập trung tại TP Bắc Giang, Hà Nội và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đi đôi với biện pháp trên, người dân cần tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất vải an toàn. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Giang, nguy cơ xuất hiện đợt nắng nóng và bão ảnh hưởng đến giai đoạn quả xanh. Bởi vậy, các nhà vườn chăm sóc tốt cho vải ở từng giai đoạn để cây tăng sức chống chịu với điều kiện bất thuận; sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng lân và kali cao, hàm lượng đạm thấp để bón cho cây.