Tân Yên tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
 
Vốn là huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã xác định các cây trồng, vật nuôi chủ yếu và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn thực hiện. Đồng thời chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. Chú trọng đưa các giống cây con mới vào sản xuất, đẩy mạnh liên kết 4 nhà, nhờ đó sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa của huyện ngày càng phát triển. Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 43,7%. Tổng giá trị sản xuất từ nông, lâm nghiệp năm 2016 ước đạt 3.300 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha canh tác đạt 110 triệu đồng. Đã có 6 xã về đích NTM, số còn lại đạt bình quân 15,3 tiêu chí/xã.
Toàn huyện có 432 trang trại, trong đó, có 90% trang trại chăn nuôi - thủy sản, 10% trang trại tổng hợp, trồng trọt, thủy sản. Giá trị thu nhập bình quân của trang trại đạt 300 - 500 triệu/năm. Không hiếm những trang trại chăn nuôi có liên kết đạt từ 800 - 1 tỷ đồng/năm.  Những xã vùng chiêm trũng, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng trũng, một vụ cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản. Xuất hiện nhiều mô hình nuôi con đặc sản, như ba ba, ếch Thái Lan, cá chim trắng, cá rô phi đơn tính, cá chép lai, cá trắm đen… đem lại giá trị kinh tế cao. Ở nhiều xã, hộ dân mạnh dạn nhận thầu diện tích có mặt nước lớn để xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp thả cá. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 1.350ha, trong đó có 1.200ha nuôi thâm canh, bán thâm canh. Xây dựng 7 làng nuôi thủy sản và vùng nuôi thủy sản tập trung với diện tích 465ha, năng suất đạt  trên 12 tấn/ha/năm.
 
Cùng với phát triển chăn nuôi, Tân Yên tập trung khai thác tiềm năng vùng đồi, trồng 3.020ha ha cây ăn quả, góp phần bảo vệ hệ sinh thái. Từng bước hình thành vùng chuyên canh, trong đó vải thiều 1.320ha và trong diện tích này có 1023ha vải sớm. Sản lượng hàng năm ước đạt 7000 tấn, giá trị trên 80 tỷ đồng. Còn lại là nhãn, vú sữa, bưởi Diễn, ổi, thanh long, cam. Tân Yên cũng đã xây dựng mô hình 150ha vải sớm theo tiêu chuẩn Viet GAP, chỉ đạo phát triển và xây dựng nhãn hiệu "vú sữa Tân Yên". Xây dựng và triển khai Đề án phát triển cây dược liệu với diện tích 60 ha, bao gồm các loại cây: đinh lăng, sâm nam, gấc, kim tiền thảo.
 
Trên đồng ruộng, nông dân Tân Yên đẩy mạnh việc gieo trồng những giống cây rau màu mới có giá trị kinh tế cao như: Sản xuất 3000ha rau quả thực phẩm, như ngô ngọt 600-1000ha cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ha/vụ. Dưa, bí các loại diện tích 1200ha, thu nhập từ 100 - 135 triệu đồng/ha/vụ. Từ 800 - 1000ha hành, tỏi, rau xanh, giá trị thu nhập từ 120 - 150 triệu/ha.
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, UBND huyện đề ra nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu, cơ giới hóa. Hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung về con giống, liên kết thu mua nông sản trên địa bàn và có chính sách thưởng cho các trang trại tiêu biểu. Đồng thời hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt. Hỗ trợ xây hầm Bioga, đệm lót sinh học. Làm tốt liên kết 4 nhà từng bước thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản hàng hóa trên địa bàn tăng nguồn thu nhập cũng như chất lượng cuộc sống cho bà con nông dân./.
 
                                                      Phương Thảo
 
Đài truyền thanh Tân Yên