Từ năm 2015 đến nay các nhà nông xã Đồng Thanh luôn có nguồn thu ổn định 100 tỷ đồng/năm từ cây có múi.
Xã Đồng Thanh được coi là “mỏ” cây ăn quả có múi mới nổi của huyện Kim Động, Hưng Yên. Hiện địa phương có 205ha cây có múi đang ở thời kỳ khai thác kinh doanh. Sản lượng quả thu hoạch mỗi năm ước đạt 6.000 tấn, trong đó có 3.200 tấn cam đường, 1.800 tấn cam Vinh, hơn 300 tấn bưởi Diễn. Tổng giá trị sản lượng thu được khoảng 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 70 - 80 tỷ đồng.
Các cơ sở thôn thường xuyên thu được sản lượng quả có múi lớn là Thanh Sầm và Bùi Xá. Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu được 2 - 3 tấn quả có múi. Nhiều gia đình thu từ 10 - 15 tấn. Một số hộ thuê nhượng được thêm đất trồng cam ở các huyện miền núi tỉnh Hòa Bình có thu trên 100 tấn quả.
 
Anh Lê Văn Phú là một trong số chủ hộ ở xã Đồng Thanh trồng cây múi từ năm 2000 đến nay. Ban đầu gia đình anh chỉ trồng thử nghiệm 1 - 2 sào cam Vinh. Sau khi thấy cây cam phù hợp với đồng đất địa phương, hiệu quả thu nhập đạt gấp 5 - 6 lần so với cấy lúa cùng diện tích, anh Phú đã quyết định chuyển đổi toàn bộ hơn 1 mẫu đất chuyên lúa sang trồng các cây có múi (cam Vinh, cam Canh, bưởi Diễn).
 
Toàn bộ tiền lãi thu được hàng năm anh Phú đều dành cho thuê nhượng đất canh tác để mở rộng diện tích trồng cây có múi. Kết quả sau 17 năm chuyên cần SX, anh Phú có được gần 1,5ha cam, bưởi ở quê nhà và 2,5ha cam Canh tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Tổng giá trị lợi nhuận năm 2016 thu được gần 2 tỷ đồng. Dự kiến năm 2017 gia đình anh Phú sẽ có thu hoạch trên 100 tấn cam Canh, 35 tấn cam Vinh và 18.000 quả bưởi Diễn, ước doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,3 tỷ.
 
Biết gia đình anh Phú trồng cây có múi thu được lợi nhuận cao, ngay từ năm 2010 các hộ dân ở xã Đồng Thanh đã đua nhau chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả các loại. Các thôn Bùi Xá và Thanh Sầm, đến hết tháng 9/2017 đã chuyển đổi được lần lượt là 87% và 73% diện tích đất chuyên lúa sang trồng cây có múi. Các thôn khác cũng đang dấy lên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị. Hiệu quả thu được đều cao gấp 4 - 6 lần so với cấy lúa cùng chân ruộng.
 
Ông Nguyễn Văn Bắc, trưởng thôn Bùi Xá cho biết, hầu hết nhà nông ở đây chỉ giữ lại một ít diện tích cấy lúa lấy gạo đủ ăn cho gia đình trong năm, còn lại đều chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc rau các loại.
 
Ông Bắc so sánh, cam Vinh là cây dễ cho quả nhất, chỉ sau 3 năm trồng, chăm sóc tốt sẽ cho thu 1,2 - 1,4 tấn quả/sào, với giá bán buôn tại vườn hiện nay 25.000 đồng/kg, thì 1 sào cam Vinh đã cho thu hoạch 30 - 35 triệu đồng, trừ hết mọi khoản chi phí đầu tư (khoảng 3 - 4 triệu đồng), lãi thuần vẫn đạt trên 30 triệu đồng/sào canh tác, cao gấp 6 lần cấy lúa. Đây chính là đòn bẩy thúc đẩy các gia đình chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng các cây có múi.
 
Cũng theo ông Bắc, để các cánh đồng quả cho thu nhập bền vững, nhà nông cần tránh lạm dụng phân bón hoá học và hoá chất BVTV. Gia tăng phân bón hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh. Phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại đặc biệt là rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh vàng lá gân xanh). Khai thác lượng quả hợp lý tuỳ khả năng sinh trưởng của từng cây...
 
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, phong trào trồng cây có múi ở xã Đồng Thanh đã góp phần đẩy lùi căn bản các loại cam Trung Quốc chất lượng thấp, chưa kiểm soát dịch bệnh, nhập vào thị trường Hưng Yên qua đường tiểu ngạch.
 
Theo nongnghiep.vn