Năm 2016, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã được phê duyệt thực hiện dự án khoa học cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang”. Sau gần hai năm triển khai, đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang”.
Năm 2013, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “bưởi Lương Phong” cho sản phẩm bưởi Diễn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhãn hiệu chỉ được cấp cho một vùng sản xuất nhỏ trên quy mô xã, chưa tạo được danh tiếng cho cả huyện nên ít người tiêu dùng biết đến. Các xã khác, tuy có diện tích trồng bưởi lớn nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Thị trường bưởi vẫn trong giai đoạn phát triển tự phát, thiếu sự quản lý và định hướng... Trước thực trạng đó, tháng 6 - 2016, UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang” do Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chủ trì; thời gian thực hiện từ tháng 5 - 2016 đến tháng 4 - 2018. Khi triển khai, dự án đã tiến hành thu thập số liệu về đất đai, khí hậu vùng nghiên cứu; điều tra, khảo sát quy mô, hiện trạng, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản và thị trường tiêu thụ bưởi đối với 250 hộ. Đồng thời, phân tích các chỉ tiêu về hàm lượng nước, đường, axít, vitamin C; hình thái, cảm quan của bưởi. Đến nay, các hạng mục của dự án đã hoàn thành sơ bộ, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang” cho huyện Hiệp Hòa. Trong đó, có 30 hộ trồng bưởi được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất.
 
Gia đình ông Nguyễn Trường Thinh, thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái đã có gần 30 năm kinh nghiệm trồng bưởi Diễn. Hiện tại, gia đình ông có hơn 600 gốc bưởi Diễn trồng trên đất Đoan Bái và 4.000 gốc bưởi diễn trồng tại Long Biên (Hà Nội), giá bán tại vườn bưởi của gia đình ông năm nay là 43 nghìn đồng/quả. Ngoài chăm sóc vườn bưởi của gia đình mình, ông Thinh còn tư vấn cách trồng và chăm sóc bưởi Diễn theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ trong xã có nhu cầu. Ông Thinh cũng cho biết: “Chúng tôi rất vui khi nhãn hiệu bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang được bảo hộ, việc xây dựng thành công nhãn hiệu sẽ giúp quảng bá rộng rãi cho sản phẩm bưởi của huyện. Bà con trồng bưởi cũng yên tâm về đầu ra, giá bán cao hơn so với trước đây”.
 
Cũng là một trong 30 hộ trồng bưởi được cấp nhãn hiệu, bà Trần Thị Nguyên thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng có 180 gốc bưởi. Năm nay, gia đình bà trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, vườn cho thu 5.000 quả, giá tại vườn là 25 nghìn đồng/quả, cao hơn từ 7 - 10 nghìn đồng so với bưởi không trồng theo hướng VietGAP. Bà Thinh cho biết: “Để đủ điều kiện trở thành hộ thành viên, phải tuân thủ theo quy trình VietGAP, quy trình dễ thực hiện nhưng chất lượng và sản lượng sản phẩm cũng cao hơn so với trước. Toàn bộ sản phẩm đều được đảm bảo đầu ra.
Việc cấp nhãn hiệu là tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, do đó, nhiều xã của huyện cũng đưa cây bưởi vào quy hoạch phát triển. Ông Vũ Đình Hỏa - Chủ tịch UBND xã Danh Thắng cho biết: “Ngoài cơ chế hỗ trợ của huyện, xã đã mời cán bộ kỹ thuật về tập huấn quy trình kỹ thuật cho các hộ trồng bưởi. Trong thời gian tới, xã sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ cho bà con trên địa bàn”.
 
Hiện nay, diện tích trồng bưởi toàn huyện (chủ yếu giống bưởi Diễn) khoảng 180ha, tập trung ở các xã: Lương Phong, Đoan Bái, Hùng Sơn, Ngọc Sơn và Danh Thắng. Các chuyên gia đánh giá, cây bưởi thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều xã của huyện Hiệp Hòa. Ông Nguyễn Tiến Hùng Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết: “Dù cây bưởi chưa phải cây thế mạnh của huyện, tuy nhiên, huyện sẽ tập trung đưa cây bưởi phát triển theo hướng sản phẩm sạch. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy trình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con. Đặc biệt, sẽ có chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm bưởi Diễn phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới”./.
 
Theo skhcn.bacgiang.gov.vn