Hiện cây giống tại huyện Chợ lách (Bến Tre) đang được tiêu thụ rầm rộ. Ước tính mỗi năm nơi đây xuất khoảng 17 triệu cây. Năm nay dự kiến số lượng bán ra tăng gấp đôi, 34 triệu cây.
Chỉ riêng doanh nghiệp Lê Văn Cung ở Phú Phụng xuất 1,5 triệu cây các loại.
Dọc theo quốc lộ 57 những ngày sau tết, xe tải dập dìu chở cây giống. Thương lái ngoài Bắc và miền Trung vào "xứ sở" cây giống để thu mua. Anh Lê Văn Cung, chủ trại cây giống ở Phú Phụng cho biết, hiện tại có hai loại cây giống bán chạy là mít cao sản và sầu riêng. Cây sầu riêng có giá từ 80.000 - 160.000 đ/cây, trong khi trước đây khoảng 40.000 đ/cây (năm 2015).
Hỏi vì sao mà cây giống có giá đến mức đó? Anh Cung cho biết, giá trái đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá cây giống. Hiện giá mít trái thương lái đã thu mua 50 ngàn đồng/kg, do phía Trung Quốc cần hàng. Sầu riêng thì từ 60 ngàn đồng/kg bán tại vườn. Từ giá trái tăng lên mà nông dân chuyển sang trồng các loại cây trên.
Khách hàng mua cây giống phần nhiều là dân miền Tây như Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang. Có một số lượng lớn cây giống đổ về miền Đông như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh. Nguyên nhân do giá cao su giảm và sản lượng cao su khó tiêu thụ khiến các nông trường tư nhân đốn cao su, tái canh tác cây ăn trái.
Trại cây giống của Lê Văn Cung năm nay hợp đồng với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đưa 60.000 cây qua Lào, 200.000 cây giao cho Lâm Đồng, còn các loại cây khác như vú sữa, xoài, dừa, bưởi da xanh thì đi Hà Nội. Đã có hợp đồng đi Hà Nội 5,5 triệu cây các loại.
Nghề làm cây giống ở Chợ Lách đã có từ nhiều năm. Cái Mơn (Chợ Lách) được sách kỷ lục Guinness công nhận là địa phương làm cây giống lớn nhất nước. Mấy năm đầu chỉ có các xã Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, Long Thới, Tân Thiềng làm cây giống, nay đã lan tỏa ra các xã vùng trên như Sơn Đinh, Vĩnh Bình , Phú Phụng và gần như 90% bà con đều theo nghề này.
Anh Cung cho biết, giá cây giống các loại được niêm yết công khai, khách hàng chạy lên, chạy xuống đoạn đường này để dò giá, cuối cùng chấp nhận vì nhu cầu lớn của thị trường.
Muốn làm một cây giống bán được, phải có một cây con để ghép vào một “bo” giống. Cây con hiện tại giá từ 5.000 - 10.000 đ/cây. Anh Tám Dũng ở ấp An Hòa, xã Long Thới, Chợ Lách cho biết: "Xóm tôi giờ đây có nhiều tỷ phú. Ông láng giềng bên cạnh có 5,5 công đất gieo hột sầu riêng mà bán được hết với số tiền 2 tỷ đồng".
Anh Bảy Bằng cũng là tay bán cây giống ở Sơn Định cho biết thêm, làm cây con dễ ăn, cứ 1 công bán được 100 triệu đồng, cây gieo mới 8 tháng là có người đến mua trả tiền trước.
Thấy làm ăn dễ dàng, tôi hỏi thêm, đất có sẵn, còn hột sầu riêng mua tại đâu? Anh Bảy Bằng nói, mua hột sầu riêng tại xưởng bánh pía ở Sóc Trăng hoặc mua ở các lò bánh kem. Cứ 70.000 đ/kg hột, mua về ươm trong vườn và chịu khó tưới nước cho đến khi lên cây. Mua cũng phải lựa chỗ tin cậy. Cơm sầu riêng mà để trong tủ lạnh, khi ươm khó lên mộng.
Nhớ lại cách đây mấy năm, ông Tư Thùng ở Sơn Định khoe với tôi, quanh năm ăn sầu riêng không tốn tiền. Tưởng ông nói đùa, nhưng nghe kể lại thì mới biết là sự thật. Ông mua một trái sầu riêng 2kg mất hơn trăm ngàn, ăn xong lấy được gần 20 hột, đem gieo vài tháng sau lên cây, trồng vô bịch bán lại được 10.000 đ/cây. Nếu đợt đó lên được 15 cây là có lời, nhưng mất 18 tháng.
Với những trại cây giống lớn, họ phải thuê ruộng đất tận An Giang, với giá 4 triệu đồng/ha mỗi năm, mua hột giao cho người chăm sóc. Khi cây lớn thì bứng đem về trại để ghép và dưỡng cho đến đủ tiêu chuẩn xuất hàng.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan: