Bắc Giang hiện có hơn 40 sản phẩm, trong đó chủ yếu sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) dưới hình thức đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT), chỉ dẫn địa lý... Đây là lợi thế lớn đối với các chủ sở hữu, giúp nông sản vươn xa, chiếm lĩnh thị trường song cũng đặt ra nhiều thách thức nếu không được “tiếp sức” sau bảo hộ.
 
Khó phát huy giá trị
 
Trong số hơn 40 sản phẩm được bảo hộ SHTT có 4 sản phẩm gồm: Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế được cấp chứng nhận bảo hộ ở nước ngoài, trong đó có những thị trường lớn như: Mỹ, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Việc bảo hộ đồng nghĩa với danh tiếng sản phẩm được khẳng định, mở ra cơ hội tiêu thụ thuận lợi. Đơn cử, vụ vải thiều năm 2017 và 2018, tổng doanh thu và các dịch vụ phụ trợ từ sản phẩm này của tỉnh đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng/năm; giá trị xuất khẩu trung bình 58.000 đồng/kg… Đối với một số sản phẩm bảo hộ trong nước cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân như: Gạo thơm Yên Dũng, vải thiều sớm Phúc Hòa, bánh đa nem Thổ Hà...
Dù số lượng được đăng ký bảo hộ SHTT nhiều song vẫn có không ít sản phẩm rơi vào tình cảnh “có tiếng không có miếng”, nghĩa là được cấp chứng nhận bảo hộ nhưng chưa phát huy giá trị thương hiệu; khó len lỏi, thâm nhập sâu vào thị trường tiềm năng, thậm chí có doanh nghiệp (DN) là chủ sở hữu thương hiệu phải giải thể.
 
Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; quy mô, chất lượng sản phẩm chưa cao. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi hoặc sơ chế, thiếu công nghệ bảo quản lâu dài để có thể cung ứng tới các thị trường trong, ngoài nước. Mặt khác, năng lực, hiệu quả hoạt động của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; mối liên kết giữa chính quyền, người dân, DN chưa chặt chẽ…
 
nông sản, bảo hộ nông sản, Bắc Giang,
Một sản phẩm được cấp bảo hộ SHTT là cả một quá trình gây dựng, tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức. Vì vậy, sẽ là đáng tiếc nếu sản phẩm đó bị người tiêu dùng quên lãng, lâu dần dẫn đến mất thương hiệu". 
 
 
Ông Ngô Anh Hoàng, Phó trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, 
 
Sở KH&CN
Tại huyện Lục Ngạn, gạo nếp Phì Điền đã được cấp chứng nhận NHTT năm 2010 song đến nay, HTX Lúa nếp hoa vàng Phì Điền - đơn vị chuyên cung cấp sản phẩm này đã giải thể được 2 năm, dù tên đăng ký bảo hộ vẫn còn. Ông Phạm Văn Bút, nguyên Giám đốc HTX chia sẻ: Trước kia, diện tích cấy lúa nếp của xã và địa phương lân cận lớn nhưng nay thu hẹp dần do bà con chuyển trồng cây ăn quả. Sản lượng không ổn định, ít đầu mối tiêu thụ nên HTX không thể tồn tại, thương hiệu sản phẩm chìm lắng. “Vẫn biết rằng để gây dựng được NHTT rất gian nan nhưng chúng tôi đành bỏ cuộc”, ông Bút nói.
 
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn cho biết, gạo nếp Phì Điền, rượu Kiên Thành được công nhận NHTT nhưng vài năm gần đây, việc tiêu thụ chủ yếu phục vụ trong xã dưới hình thức bán lẻ, số lượng ít, nhiều hộ chuyển sang làm nghề khác. Tại huyện Lục Nam, một số sản phẩm đã đăng ký bảo hộ SHTT song ít có nông sản được các siêu thị chấp nhận bày bán hay xuất khẩu, giá trị thấp. Dứa Lục Nam được đăng ký bảo hộ NHTT năm 2014 song chưa có đầu ra ổn định.
 
Nâng giá trị thương hiệu
 
Để nông sản sau bảo hộ phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực hơn của địa phương, đơn vị, DN liên quan. Một trong những vấn đề quan trọng là quan tâm rà soát, định hướng vùng sản xuất tập trung, chuyên canh sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tích cực liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, sản phẩm phải được kiểm soát về chất lượng, truy xuất nguồn gốc; đồng thời nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất…
Một yếu tố quan trọng khác là đa dạng các hình thức quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; giới thiệu, trưng bày tại hội chợ; xúc tiến thương mại… Ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở sẽ tích cực phối hợp với ngành, địa phương đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm tạo ra nông sản chất lượng cao, hướng tới đăng ký bảo hộ. Hỗ trợ miễn phí, tư vấn các đơn vị tra cứu thông tin về hồ sơ đăng ký bảo hộ. Các sản phẩm phải được sản xuất, chế biến, bảo quản và lưu thông đúng yêu cầu, đáp ứng các quy định của thị trường ngoài nước.
 
Được biết, Nghị Quyết 24/2018 của HĐND tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 quy định chi tiết việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; tham gia hội chợ, triển lãm dành riêng cho khu vực HTX… Đây là động lực khuyến khích các HTX có sản phẩm được bảo hộ phát triển, quảng bá thương hiệu.
 
Theo BGĐT