Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Yên Sơn, thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái, hoa màu, cho thu nhập cao, điển hình là mô hình trồng ổi lê Đài Loan ở xã Tứ Quận.
Tứ Quận là xã nằm trong quy hoạch vùng trọng điểm trồng cây ăn quả của huyện Yên Sơn. Với diện tích đã trồng cây ăn quả hiện có trên 443 ha, trong đó diện tích trồng cây cam là 143,4 ha, cây bưởi 222,6 ha và 77 ha là trồng các loại cây ăn quả khác. Do mấy năm trước quả cam, bưởi bán được giá trên thị trường nên phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn xã phát triển nhanh, tập trung chủ yếu trồng cây ăn quả có múi như: cam Vinh, bưởi đường Soi Hà, bưởi Diễn. Trong lúc phong trào trồng cây ăn quả có múi của các hộ dân trong vùng phát triển mạnh thì một số gia đình như hộ ông Lê Thanh Phú, Nguyễn Văn Xuân, ông Lê Thanh Xiêm... lại chuyển diện tích đất sang trồng ổi lê Đài Loan đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Đến thăm gia đình anh Lê Thanh Phú cư trú tại thôn Bình Ca 2, xã Tứ Quận với mô hình phát triển kinh tế trồng cây ăn quả cho thu nhập khá cao. Từ UBND xã theo trục đường Quốc lộ 2 (Tuyên Quang - Hà Giang) khoảng 2,5 km, đến ngã ba đường liên huyện đi xã Phúc Ninh, rẽ phải vào 150 m. Khi dừng xe, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là nhìn vườn ổi được trồng thẳng hàng, cây phát triển xanh tốt; điểm xen lẫn trên cành là những túi bọc quả màu trắng treo lẫn trong tán cây. Vào thăm nhà, may mắn chúng tôi gặp cả anh và chị đang chuẩn bị ra vườn bọc quả ổi.
Mời chúng tôi vào nhà, vừa pha nước anh Phú vui vẻ kể về quá trình phát triển kinh tế gia đình của mình. Năm 2002 anh cưới vợ và ở chung với mẹ. Cả hai vợ chồng đều làm nông nghiệp với chưa đầy 3 sào ruộng vừa nhỏ lại ở mỗi xứ đồng một thửa cùng ít đất vườn quanh nhà chỉ đủ chăn nuôi vài con lợn, con gà. Làm lụng vất vả cả năm, mùa nào rau đó nhưng đến cuối năm trừ tất cả các khoản chi phí thì lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu. Đầu năm 2014, có anh bạn quê ở Hoài Đức lên chơi, nhìn vợ chồng lao động vất vả với cây rau màu ngắn ngày, trước khi về anh bạn có lời khuyên nên trồng ổi (giống ổi lê Đài Loan) sẽ cho thu nhập rất tốt. Nghe theo lời khuyên của bạn, anh bàn với vợ rồi quyết định trồng thử. Đầu tiên anh đặt mua 20 cây ổi (chiết cành) mang về trồng ở bãi đất ven suối gần nhà. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, cây ổi phát triển rất tốt và bắt đầu ra hoa kết trái. Cuối năm 2014 anh chị thu hoạch lứa quả đầu tiên, do là giống ổi mới và được chăm sóc tốt nên quả to, có mã đẹp, chất lượng ăn giòn, ngọt lại cho quả trái vụ nên bán được giá từ 30 đến 40 nghìn đồng/kg, đã mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng rau.
Nhận thấy thấy ổi là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, anh bàn với chị chuyển hướng trồng thâm canh ổi. Để mở rộng diện tích trồng ổi, cần phải có diện tích đất canh tác đủ rộng, thuận lợi cho việc tưới và tiêu nước sau này. Rất may bên cạnh vườn nhà anh có mấy mảnh ruộng ven suối của 1 số hộ trong thôn sử dụng trồng cây ngắn ngày nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao do thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Anh đã dành thời gian đi đến từng nhà có đất ruộng liền kề để vận động chuyển đổi nhằm thuận lợi cho việc canh tác lâu dài. Qua nhiều lần kiên trì thuyết phục, cuối cùng các hộ đã đồng ý đổi nhượng cho anh, cộng với diện tích đất của gia đình gộp lại anh đã có một thửa đất rộng 2.500 m2 .
Năm 2015, gia đình đã làm đơn gửi chính quyền địa phương đề nghị cho phép cải tạo, nâng cao mặt bằng đất ruộng để chống ngập úng vào mùa mưa; đồng thời xin chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây hàng năm sang đất trồng cây lâu năm để phát triển kinh tế vườn. Có mặt bằng đủ rộng và không còn bị ngập khi mùa mưa đến, anh tiến hành lên luống, đào hố với mật độ 3 m x 3 m để trồng mới 250 gốc ổi. Sau khi trồng, cây ổi bén rễ và bước vào giai đoạn phát triển, cả gia đình tập trung chăm sóc, tỉa cành tạo bộ khung tán hợp lý chuẩn bị cho chu kỳ ra hoa đậu quả. Miệt mài chăm sóc, cuối năm 2015 vườn ổi cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, cân đối tiền bán ổi vừa đủ cho đầu tư chi phí cải tạo đất và trồng mới. Bước sang năm 2016 với 270 gốc ổi cho quả quanh năm, anh chị thu lợi trên 100 triệu đồng; năm 2017 cho thu nhập khoảng 200 triệu; đặc biệt năm 2018 thu từ bán ổi quả 310 triệu và 30 triệu tiền bán cành ổi giống cho tổng thu nhập 340 triệu, trừ chi phí đầu tư phân bón, túi bọc quả, lợi nhuận thu về 300 triệu.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi anh Phú cho biết, để cây ổi ra hoa đậu quả quanh năm, chất lượng quả thơm, giòn và ngọt phải thường xuyên tỉa cành, bấm ngọn tạo chồi mới cho ổi ra hoa; sau khi cánh hoa rụng, quả ổi to gần bằng đầu ngón tay cái phải dùng túi chuyên dụng bọc bảo vệ quả để tránh côn trùng (bọ xít muỗi, rệp sáp) gây hại; định kỳ bón phân hữu cơ (phân gà ủ hoai mục sau 6 tháng), bón đủ lân, giảm lượng phân đạm vô cơ và bón tăng lượng ka-li sun phát; khi cần dùng thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh gây hại phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc “4 đúng”. Để đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, thì chất lượng quả ổi phải sạch, an toàn không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; quả to, có dáng mã đẹp, chất lượng ăn giòn, ngọt.
Đánh giá về mô hình trồng ổi của gia đình anh Phú, ông Hán Quang Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết: “Gia đình anh Phú là hộ trồng ổi đầu tiên trên địa bàn xã và thu được thành công. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng ổi cho bà con học tập, áp dụng vào sản xuất”
khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan: