Bỏ nhiều cơ hội làm việc tại các thành phố lớn, anh Vũ Văn Sơn (SN 1993) ở thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) trở về quê dấn thân vào nông nghiệp sau bao ngày tháng trăn trở.
Nói là làm, anh cùng với người bạn thân của mình là Nông Quốc Doanh cải tạo 1.000 m2 vườn tạp, xây dựng nhà lưới để sản xuất…
Đầu năm 2017, hai anh bắt tay vào trồng thử nghiệm giống dưa lưới, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên vừa làm, vừa nghiên cứu học hỏi. Vụ đầu cho năng suất thấp, chất lượng dưa nhạt phải cho lợn ăn.
Không hề nản chí, Sơn và Doanh quyết tâm làm lại từ đầu. Được sự ủng hộ vè vốn của gia đình, hai chàng trai tiếp tục đầu tư, đưa giống dưa Malaysia vào trồng và có kết quả tốt.
Sơn chia sẻ: Để cây đạt năng suất, chất lượng tốt nhất thì ngay những bước ban đầu phải làm cẩn thận, tỉ mỉ. Từ khâu làm đất, khi bắt đầu trồng dùng loại phân gà ủ hoai mục, phân hữu cơ từ cây ngô kết hợp một số chế phẩm sinh học khác.
Lên luống che chắn bằng màng phủ nông nghiệp, đục lỗ khoảng cách 40 – 50 cm. Đến giai đoạn ươm hạt, sử dụng xơ dừa và phân gà đã ủ hoai mục, ươm giống từ 10 – 15 ngày. Từ 25 – 30 ngày sau trồng, cây cho hoa cái, dùng ong mật để thụ phấn cho hoa. Khi cây đậu quả, từ nhánh thứ 7 – 12 chỉ để mỗi cây một quả, cây được 24 lá thì bấm ngọn, vừa dễ chăm sóc và các chất dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi quả.
Đây là giống dưa tốt, phù hợp với khí hậu ở Hàm Yên ngày nắng nóng đêm mát, độ ẩm cao, chưa phát hiện sâu bệnh. Ngoài ra, để phòng ngừa, anh dùng chế phẩm sinh học và cho cách ly trong thời gian nhất định.
Anh Sơn cũng chia sẻ thêm, muốn quả thơm ngon cần tăng cường bón phân hữu cơ, tuân thủ theo nguyên tắc 4 “đúng”: đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và bón đúng cách. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc 5 “không”, đó là không sử dụng phân bón hóa học, không dùng giống biến đổi gen, không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới, không dùng các loại thuốc diệt cỏ cũng như thuốc trừ sâu.
Sau 80 – 85 ngày dưa lưới cho thu hoạch, một quả có trọng lượng từ 1,8 – 2kg, mỗi vụ đạt từ 2,5 – 3 tấn. Nếu khéo trồng thì 1 năm sẽ được thu 3 vụ. Dưa được giao buôn tại các cửa hàng nông sản sạch tại Hà Nội với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg, bán lẻ từ 65.000 – 70.000 đồng/kg. Từ việc trồng dưa và cam sau khi trừ chi phí còn lãi 300 – 400 triệu đồng/năm.
Để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, hai anh đã tiến hành làm thủ tục xác thực thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Mỗi quả dưa và cam khi xuất bán, đều gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng kiểm tra được xuất xứ, ngày thu hái… Về chất lượng, sản phẩm đã được kiểm định bởi Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia và Viện Bảo vệ thực vật.
Về hướng đi sắp tới, Sơn chia sẻ sẽ tiếp tục sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung canh tác thêm mít và na Thái. Đầu tư mở rộng hệ thống nhà lưới. Thu hút nguồn vốn tín dụng ưu đãi và tìm kiếm những thị trường tiềm năng, ổn định.
Theo Nongnghiep.vn
Tin liên quan: