(BG)-Giữa và cuối tháng 5, cây vải thiều thường có đợt rụng quả sinh lý. Để hạn chế hiện tượng bất lợi này, người làm vườn cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:
 
Tưới nước đủ ẩm: Giai đoạn này quả vải đang lớn nhanh, cần độ ẩm đất 70 - 75%. Nếu trời không mưa cần tưới đủ ẩm 10 - 15 ngày/lần. Cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng sẽ sinh ra tầng rời ở cuống quả, gây rụng quả sinh lý.
 
Cung cấp đủ dinh dưỡng: Việc cung cấp phân khoáng hợp lý cho vải cần căn cứ vào tuổi của cây, mức độ sai quả và chế độ dinh dưỡng biểu hiện qua màu sắc tán lá. Lá có màu xanh đậm là cây thừa đạm cần bón thêm phân kali. Liều lượng 1-5 kg/cây, bón dưới hình chiếu của tán lá, bón thành 4 hốc quanh tán cây, bón sâu 7 - 10 cm. Lá có màu xanh nhạt, xanh vàng bón phân NPK (12:5:10) hoặc đạm : kali tỷ lệ 1:1. Liều lượng: 2-5 kg NPK hoặc 0,5 - 2 kg đạm urê + 0,5-2 kg kali. Lá có màu xanh trung bình (xanh màu lá chuối bánh tẻ): Bón phân với liều lượng 0,5 - 2 kg đạm urê và 1-4 kg kali clorua. Bón phân dưới hình chiếu của tán cây. Bón theo hốc, 4 hốc cách đều 4 hướng cây, độ sâu bón phân 10 cm. Có thể dùng sản phẩm vườn sinh thái + gói bám dính phun cho vải, nhãn 10 - 15 ngày/lần khắc phục hiện tượng rụng quả non.
 
Phòng trừ một số sâu bệnh: Sử dụng thuốc trừ sâu Regent 800WG, Rigell 800WG, Tango 800WG, Rhironil 800WG… hoặc nhóm hoạt chất sinh học Actamec 20EC: Shepatin 36EC, Silsau 3,6EC… phun ướt tán cây lúc quả lớn bằng hạt đậu có tác dụng trừ các loại sâu hại như: Sâu đục cuống quả, nhện lông nhung, bọ xít… Trừ bệnh sương mai, thán thư làm thối và rụng quả non, tốt nhất dùng loại thuốc nội hấp: Amistar 250EC hoặc hỗn hợp: Aliette 80WP + Bavistin 70FL hoặc thuốc Ridomin gold 72WP + Carbenzim 50WP, phun 1 - 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày. Các loại thuốc nội hấp này sau khi phun 4 - 5 giờ cây sẽ hấp thụ, lưu dẫn trong thân, lá có tác dụng phòng trừ bệnh thời gian dài 10 - 15 ngày.
 
(Theo tài liệu khuyến nông - lâm)