Với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi từ ruộng trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi cá trồng lúa kết hợp, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã triển khai mô hình “Liên kết các hộ nuôi thâm canh cá rô phi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm”. tại xã Bình Lương thuộc huyện miền núi Như Xuân.
Mô hình có quy mô 0,3 ha do 5 hộ thực hiện. Mật độ thả 3 con/m2, cỡ cá khi thả 0,5cm/con. Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn. Ngoài ra còn được tập huấn kỹ thuật, tham dự các hội nghị, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình, trao đổi những vấn đề khó khăn thường gặp trong quá trình nuôi với cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, các hộ nuôi yên tâm đầu tư mô hình, đồng thời chăm sóc, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi đã đề ra.
Sau hơn 5 tháng nuôi, các hộ đã biết áp dụng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn vào thực tiễn sản xuất hiệu quả, từ chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Đến nay, cá có kích thước đồng đều, đạt trọng lượng bình quân 1 kg/con, tỷ lệ sống trên 90%, năng suất đạt gần 15 tấn/ha.
Mô hình đã được các hộ nông dân trong xã, trong huyện đánh giá cao, phù hợp với điều kiện của xã miền núi. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật giúp giảm chi phí, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi do giảm được chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động. Đặc biệt toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được Công ty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Thanh Hóa thu mua theo hợp đồng.
Kiểm tra cá nuôi trong mô hình
Ông Lê Đình Đặng – một trong 5 hộ nuôi cho biết: “Khi tham gia mô hình, chúng tôi nuôi đã được 5 tháng 10 ngày, thấy cá lớn nhanh, không bị dịch bệnh, chăm sóc theo đúng yêu cầu của cán bộ kỹ thuật. Thời điểm đầu khi thả, thức ăn cho cá tận dụng được nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, thời gian sau mới cho ăn thức ăn công nghiệp. Ước tính khi thu hoạch hết đạt từ 14- 15 tấn/ha, chắc chắn là có lãi. Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tạo công ăn việc làm khi nhàn rỗi cho người dân. Tuy nhiên, mô hình kết thúc, chúng tôi muốn phát triển với diện tích lớn trong xã thì khó khăn nhất vẫn là vấn đề đầu ra cho sản phẩm”
Mô hình nuôi cá rô phi theo chuỗi đã mở ra hướng đi mới cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các xã miền núi, bước đầu tạo cho người nuôi thay đổi tư duy sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Chính vì vậy, để mô hình phát triển và được nhân rộng trong những năm tới, người dân xã Bình Lương nói riêng, các xã trong huyện nói chung rất mong được Trung tâm Khuyến nông, các Công ty cung ứng, bao tiêu sản phẩm cho người dân để người dân yên tâm phát triển sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn bền vững./.
Theo: khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan:
- TTKN: Nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc cho năng suất vượt trội (05-04-2021)
- Lạng Giang: Làm giàu từ nuôi cá truyền thống (01-04-2021)
- CÁ TRA THỜI ẢM ĐẠM (16-06-2020)