Theo Quyết định, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê là cơ quan chuyển giao công nghệ chính được giao nhiệm vụ xây dựng và triển khai dự án. Tổng kinh phí dự án là: 230.196.600 đồng với quy mô 02 điểm mô hình tại các xã Dun và Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai, mỗi điểm 500 con gà H’Mông. Gà đen H’Mông là giống gà bản địa chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc, từ Nghệ An trở ra đến Cao Bằng, chưa được nuôi với quy mô lớn tại huyện Chư Sê. Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay dự án đã cho những kết quả khả quan đạt được mục tiêu đã đề ra ban đầu.

Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển năng suất gà H’Mông phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu trên địa bàn huyện, tạo ra sản phẩm thịt gà H’mông thương phẩm tại địa bàn huyện có giá trị kinh tế cao. Sau gần 04 tháng nuôi nhận thấy đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại Chư Sê, đạt trọng lượng từ 1,4kg – 1,9 kg trọng lượng trung bình là 1,65 kg. Tỉ lệ sống cao (95,7%, tương đương 957/1.000 con). Khối lượng xuất chuồng 975 con gà H’Mông thương phẩm đạt khoảng 1.579 kg. Nếu hộ dân bán lẻ cho các hộ dân xung quanh trên địa bàn huyện Chư Sê với giá 150.000 đồng/kg cộng với tiền thu từ nguồn bán phân gà được 2.500.000 đồng thì lợi nhuận thu được sau khi trừ tổng chi phí đầu vào là khoảng 37.000.000 đồng. Nếu hộ dân bán sỉ cho thương lái và các hộ kinh doanh với giá 130.000 đồng/kg thì sẽ thu được lợi nhuận khoảng 21.100.000 đồng.

Mô hình đã xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc phòng bệnh cho gà H’Mông phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu trên địa bàn huyện Chư Sê. Quy trình nêu rõ các yêu cầu về: chuồng trại chăn nuôi; chăm sóc nuôi dưỡng, gồm có giai đoạn gà con từ 01 đến 30 ngày tuổi và giai đoạn từ 30 ngày tuổi đến khi xuất chuồng. Công tác vệ sinh phòng bệnh, gồm có lịch dùng vắc-xin cho gà H’Mông thương phẩm, lịch dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ phòng bệnh cho gà H’Mông và các bệnh thường gặp trong quá trình nuôi gà H’Mông. Quy trình này áp dụng trên địa bàn huyện Chư Sê.

Mô hình cung cấp được thông tin đơn vị kinh doanh, mua bán giống gà H’Mông uy tín chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện và các địa bàn huyện lân cận.

Gà H’mông giai đoạn 60 ngày tuổi 

Là một trong hai hộ dân được chọn tham gia dự án, ông Ngô Tiến Huy trú tại thôn Ia Sa xã HBông là hộ dân tham gia dự án chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi. Thứ nhất, nên mua tại những điểm tin cậy có đầy đủ giấy tờ của cơ quan chức năng, con giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tuyệt đối không mua giống trôi nổi. Thứ hai, giai đoạn úm gà con cần cho ăn đầy đủ, thắp sáng điện sưởi ấm 24/24 giờ, che chắn chuồng úm cẩn thận, tránh gió lùa mưa tạt vào trong chuồng. Thứ ba, cần thực hiện chăn nuôi gà H’mông đúng theo quy trình, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gà, nếu có biểu hiện bất thường thì có biện pháp xử lý càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn gà lớn không nên thả gà ra ngoài vườn quá sớm, đợi lúc có ánh nắng mặt trời, hết sương (khoảng 9 – 10 giờ sáng) mới thả gà ra ngoài sân chơi. Trong quá trình chăn nuôi gà H’Mông thương phẩm ngoài các loại thuốc thú y, vắc xin có trong dự án, gia đình ông còn bổ sung thêm men Balasa làm đệm lót sinh học trong chuồng giúp giảm chí phí nhân công dọn chuồng, giảm mùi hôi, tận dụng để làm phân bón cho cây trồng; bổ sung thêm dịch trùn quế Super Starvet, men cao tỏi để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn, sinh trưởng, phát triển, sức đề kháng giảm chi phí chăn nuôi; tận dụng các nguồn thức ăn, nguyên liệu có sẵn trong gia đình (các loại rau củ quả, cây chuối, lá đinh lăng, bắp,…). Do vậy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, chất lượng thịt gà H’mông săn chắc, thơm ngon.

Dự án chăn nuôi gà H’Mông được xây dựng trên cơ sở bám sát định hướng, chủ trương của tỉnh Gia Lai nói chung và của huyện Chư Sê nói riêng. Đến nay dự án đã khảo nghiệm thành công mở ra một hướng chăn nuôi mới tạo ra sản phẩm thịt gà đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn huyện Chư Sê, Gia Lai./.

Theo https://khuyennongvn.gov.vn/