Sáng 16/1/2024, Sở KH&CN đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học & công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu xử lý tồn dư thuốc bảo vệ thực vật(BVTV)trong đất trồng cây ăn quả tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang” do Viện Khoa học Sự sống - Đại Học Thái Nguyên chủ trì, thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 01/2024. Đồng chí Nguyễn Phúc Thương- Phó Giám đốc Sở KH&CN- Chủ tịch hội đồng điều hành buổi họp.

Đ/cNguyễn Phúc Thương- Phó Giám đốc Sở KH&CN- Chủ tịch hội đồng điều hành buổi họp

Đề tài được thực hiện nhằm đánh giá tình hình sử dụng thuốc BVTV, thực trạng tồn dư thuốc BVTV về hoạt chất và hàm lượng đến môi trường vùng trồng cây ăn quả các xã Phúc Hòa, Hợp Đức và Liên Sơn huyện Tân Yên; lựa chọn được 6 chủng vi khuẩn đất trong bộ chủng giống đang lưu giữ, có khả năng phân hủy mạnh tồn dư thuốc BVTV trong đất thuộc 05 hoạt chất chính (nhóm lân, clo, carbamate và pyrethroid...); tạo được chế phẩm vi sinh có khả năng phân hủy dư lượng thuốc BVTV trong đất trồng cây ăn quả, chứa mật độ mỗi loại vi khuẩn hữu ích 108 CFU/g và bảo quản được trong 12 tháng ở nhiệt độ phòng. Ngoài ra, xây dựng được 06 mô hình xử lý tồn dư hoạt chất BVTV chính trong đất trồng cây vải, ổi và bưởi tại xã Phúc Hòa và Hợp Đức huyện Tân Yên với hiệu suất phân hủy đạt ≥ 80%.

TS. Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả

Sau 2 năm triển khai, đề tài đã hoàn thành 01 mẫu phiếu điều tra dưới 30 chỉ tiêu; 150 phiếu điều tra điền đầy đủ thông tin; xây dựng báo cáo phân tích thực trạng về tồn dư thuốc BVTV, kết quả phân tích về hoạt chất và hàm lượng thuốc BVTV tồn dư trong môi trường vùng trồng vải, ổi, bưởi tại xã Phúc Hòa, Hợp Đức và Liên Sơn; Báo cáo về khả năng phân hủy 05 hoạt chất BVTV tồn dư chính trong đất bởi tổ hợp 06 chủng vi khuẩn tiềm năng; Báo cáo kết quả về môi trường thích hợp cho nhân giống cấp 2 với 06 chủng vi khuẩn.

Ngoài ra, sản xuất 02 tấn chế phẩm vi sinh xử lý dư lượng thuốc BVTV trong đất với vi khuẩn hữu ích ≥108 CFU/g và bảo quản được trong 12 tháng ở nhiệt độ phòng; hoàn thiện xây dựng 06 mô hình xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng cây ăn quả tại xã Phúc Hòa và Hợp Đức (03 mô hình cho mỗi xã, 01ha cho mỗi loại cây ăn quả/xã; tổng diện tích các mô hình 06ha); 02 quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng cây ăn quả được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở công nhận.

Bên cạnh đó, đề tài đã hoàn thiện Báo cáo đề xuất giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc BVTV đối với môi trường và sức khỏe người dân vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện bằng chế phẩm sinh học; hoàn thiện 10 chuyên đề nghiên cứu khoa học; 01 bài báo khoa học được đăng tải trên tạp chí uy tín Quốc gia; 01 hồ sơ hội thảo khoa học, hồ sơ đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở và 60 lượt người dân được tập huấn kỹ thuật. Cũng như, 270 phiếu kết quả phân tích.

TS Nguyễn Đức Huy, Trưởng bộ môn bệnh cây, Giám đốc Viện cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đóng góp ý kiến

Đánh giá quá trình thực hiện, cũng như kết quả đạt được củađề tài trên cơ sở nghiên cứu toàn bộ hồ sơ và các văn bản, tài liệu liên quan, các thành viên hội đồng cơ bản cho rằng, kết quả của nghiên cứu có tính ứng dụng cao, có ý nghĩa kinh tế và xã hội. Đề tài đã thể hiện được tính cấp thiết, lý do để nghiên cứu xử lý tồn dư thuốc BVTV trên đất trồng cây ăn quả; thể hiện được tổng quan về sự tồn dư và các nguy cơ tiềm ẩn thuốc BVTV trong môi trường sinh thái, các cơ sở khoa học và sự tích lũy của thuốc BVTV tồn dư trong đất và cây trồng thông qua hệ rễ của cây, tổng quan các phương pháp phân hủy tồn dư thuốc BVTV trong đất, cũng như các vấn đề liên quan đến việc sử dụng, phân lập tạo nguồn chế phẩm phân hủy tồn dư. Các phương pháp sử dụng trong nghiên cứu được trình bày khá rõ ràng, cụ thể, và đều là các phương pháp chuẩn được sử dụng trong nghiên cứu thuộc lĩnh vực BVTV và vi sinh vật nên đảm bảo độ tin cậy cao. Sản phẩm của đề tài có thể chuyển giao và ứng dụng rộng rãi trong việc cải thiện chất lượng môi trường đất, nước do sự tồn dư thuốc BVTV.

Tuy nhiên, để báo cáo tổng hợp được hoàn thiện, các thành viên cho rằng cần bổ sung thông tin về việc sử dụng thuốc BVTV trên cây ăn quả và sự cần thiết phải xử lý tồn dư trên đất trồng tại huyện Tân Yên; tổng quan nghiên cứu cần cập nhật mới và nên viết tổng quan dựa trên nội dung nghiên cứu một cách liền mạch, cụ thể; bổ sung cơ chế phân hủy của thuốc BVTV, cũng như thông tin về các chủng vi khuẩn sử dụng cho việc tạo ra chế phẩm sinh học của nghiên cứu; xác định rõ điều kiện sử dụng của chế phẩm vi sinh; khảo sát tính đối kháng giữa các chủng vi khuẩn; kết quả nghiên cứu nên cập nhật thông tin tên thuốc BVTV để làm rõ việc sử dụng thuốc trên 3 loại cây được sử dụng trong điều tra; chỉ rõ nguồn gốc 5 loại hoạt chất BVTV; làm rõ diện tích đối chứng và diện tích mô hình, cũng như cách thức, phương pháp lấy mẫu đất. Ngoài ra, cần khảo sát, đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế của các mô hình; có những hình ảnh, tư liệu minh chứng cho quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu và xác nhận của các hộ tham gia mô hình; kết luận nên viết cô đọng dựa theo nội dung nghiên cứu, không trình bày, liệt kê lại các số liệu, kết quả nghiên cứu; có nhữngkiến nghị, đề xuất cụ thể với các ban, ngành liên quan.

Tại hội đồng, các thành viên đã bỏ phiếu đánh giá, chấm điểm và thống nhất đề tài đạt yêu cầu. Đề nghị chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả nghiệm thu xong trước ngày 26/1/2024./.

HT