Bắc Giang là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn khoảng 52.000ha, chủ yếu là vải thiều, cây có múi (cam, bưởi), nhãn, cây na, dứa, ổi... chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trong đó diện tích trồng dứa khoảng 800ha, tập trung chủ yếu tại huyện Lạng Giang.

Lạng Giang là huyện có diện tích trồng dứa khá lớn của tỉnh Bắc Giang với diện tích khoảng 330ha tập trung ở các xã Hương Sơn, Hương Lạc, Tiên Lục, Tân Thanh... Trong đó, chủ yếu trồng giống dứa Queen.Dứa là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và các hợp chất hữu ích khác tốt cho sức khỏe. Có thể ăn quả tươi, làm nguyên liệu trong các món ăn, nguyên liệu chế biến thực phẩm đóng hộp, sấy dẻo, sản xuất chất tẩy rửa sinh học…

Description: D:\2024\dứa 8.jpg

Ảnh: Chị Tăng Thị Hiền – Hợp tác xã Dứa sạch Hương Sơn chăm sóc đồi dứa của gia đình

Nhằm nâng cao hiệu quả cũng như giá trị của cây dứa, huyện Lạng Giang đã nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật canh tác dứa trái vụ đã mở ra triển vọng sản xuất dứa bền vững cho người nông dân. Đặc tính của loại dứa này khối lượng và độ lớn trung bình từ 700gram đến 1kg; thịt quả màu vàng đậm, thơm đặc trưng, vị ngọt. Dứa Queen phù hợp với đất có kết cấu nhẹ, đảm bảo thoát nước tốt, mực nước ngầm thấp và hơi dốc, thích hợp với các xã vùng cao có nhiều đồi gò. Chu kỳ canh tác kéo dài 12 tháng từ thời điểm trồng đến lúc thu hoạch, năng suất trung bình đạt 30 – 35 tấn/ha. Sản lượng bình quân trên 12.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ảnh: Người dân Hương Sơn thu hoạch dứa

Sản xuất dứa trái vụ đã được một số hộ dân thực hiện tự phát tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tuy nhiên chưa có sự theo dõi, đánh giá một cách bài bản và khoa học để từ đó xây dựng quy trình kỹ thuật riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, xã Hương Sơn đã đề xuất và triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất dứa  trái vụ tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang” sẽ giúp người dân thu hoạch rải vụ, tránh tình trạng được mùa mất giá từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu thập và cải thiện đời sống, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Quy trình sản xuất dứa trái vụ tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang được canh tác theo VietGAP do Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn. Sử dụng giống dứa Queen do người dân sản xuất từ các trồi nách của cây vụ trước có khối lượng trên 300g, đảm bảo to mập, đỉnh sinh trưởng còn nguyên vẹn, không mang mầm bệnh, lá xanh đậm, phiến lá rộng, dày.

Mật độ trồng giống dứa Queen khoảng 4,0 vạn cây/ha đông đặc theo kiểu thiết kế trồng hàng kép 4. Khoảng cách cây cách cây trên hàng 30-35cm, khoảng cách giữa hai hàng đơn là 40-45cm và hàng giữa hai luống là 70cm.

Bình thường khi cây dứa trồng được 7-9 tháng tuổi sinh trưởng tốt sẽ ra hoa tự nhiên vào tháng 1-3, cho thu hoạch vào tháng 5-7. Để tránh cho dứa ra hoa tự nhiênsau 6-8 tháng trồng, muốn cây dứa ra quả trái vụ cần kích thích cây dứa phân hoá hoa bằng cách áp dụng biện pháp hoá học. Sử dụng Ethephon pha ở nồng độ 0,4 - 0,5%, trộn thêm 1,5% urê và phun đều cho toàn cây, lượng phun khoảng 25-30ml/cây. Xử lý vào lúc trời râm mát, mùa hè từ 5 - 8 giờ sáng và 4 - 7 giờ chiều, mùa đông từ 6 - 9 giờ sáng và 3 - 6 giờ chiều. Do đó, ngoài vụ dứa chính đã có thêm 2 vụ dứa trái vụ muộn trồng từ tháng 5-8 năm trước, cho thu hoạch vào tháng 8-11 năm sau và dứa trái vụ muộn trồng từ tháng 1-3 năm trước, cho thu hoạch vào tháng 1-4 năm sau.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang phấn đấu diện tích dứa đạt 800ha. Tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang mô hình trồng dứa đã và đang được nhiều hộ gia đình triển khai với quy mô khoảng trên 150ha. Để việc tiêu thụ năm 2021 đã thành lập Hợp tác xã Dứa sạch Hương Sơn với 31 thành viên.

Với hiệu quả kinh tế từ trồng dứa trái vụ đem lại, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dứa Lạng Giang và ưu thế về thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến sẽ đưa dứa Lạng Giang trở thành cây trồng tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao đời sống của người sản xuất, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển bền vững nông nghiệp địa phương./.

Chu Văn Ly- Đào An

Đài PTTH tỉnh Bắc Giang