Vụ Chiêm Xuân 2023- 2024, toàn tỉnh gieo trồng được 46.200 ha lúa, trong đó lúa chất lượng 24.100 ha. Hiện nay, trà lúa Xuân Sớm đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, dự kiến sẽ trỗ vào cuối tháng 4; trà Xuân Muộn đang ở thời kỳ đẻ nhánh- đứng cái, thời gian trỗ sẽ tập trung từ 10-20/5.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua thời tiết có nắng, mưa xen kẽ, trời âm u, độ ẩm không khí cao kéo dài nhiều ngày, đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu, bệnh phát sinh và gây hại trên cây lúa. Cụ thể, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ đã và đang ra rộ, mật độ cao hơn so với cùng kỳ, tập trung ở huyện Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang; tập đoàn rầy gây hại cục bộ; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại cục bộ trên giống lúa có bản lá rộng, lúa chất lượng, giống lúa nhiễm, bệnh có chiều hướng gia tăng sau các đợt mưa rào. Dự báo thời gian tới, các đối tượng trên tiếp tục gây hại có khả năng phân bố trên diện rộng và có nguy cơ rất cao làm giảm giảm năng suất, sản lượng nếu không được phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh trước và ngay sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và tập đoàn rầy; hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng và chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả, bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu, đối với những vùng bị nhiễm nặng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng cần tiến hành phòng trừ kép lần.
Chỉ đạo chăm sóc, tập trung bón đón đòng sớm tạo điều kiện cho lúa phân hóa đòng tốt nhất, góp phần tăng năng suất.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phân công cán bộ, tăng cường công tác điều tra, dự báo chính xác, kịp thời thời điểm phát sinh, gây hại và phân bố của các đối tượng sâu, bệnh hại để chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; tập trung theo dõi diễn biến tình hình phát sinh của sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chủ động tham mưu các biện pháp phòng trừ sớm, nhằm hạn chế sự lây lan của sâu, bệnh trên diện rộng.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh, buôn bán thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng và tăng giá thuốc.
Trung tâm Khuyến nông phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Giang làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của các đối tượng sâu, bệnh gây hại trên cây lúa vụ Chiêm Xuân 2023-2024 trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn ở các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh gây hại lúa vụ Chiêm Xuân hiệu quả.
- Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chét đối với các vùng bị ngập lụt sau thiên tai tại các tỉnh phía Bắc (21-10-2024)
- Kiểm tra mô hình sản xuất lúa ứng dụng mạ khay – máy cấy kết hợp với sơ chế và liên kết tiêu thụ sản phẩm Nếp cái hoa vàng tại huyện Hiệp Hòa (02-08-2024)
- Giống lúa BG6 năng suất đạt 70 tạ/ha (18-10-2022)